Không chấp nhận tất cả các kháng cáo trong vụ "siêu lừa" Huyền Như

ANTD.VN - Sau 3 ngày xét xử, sáng 30-5, TAND Cấp cao tại TP HCM đã đưa ra phán quyết về vụ án “siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm, xoay quanh hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.085 tỉ đồng của 5 doanh nghiệp.

Cụ thể, do không có kháng cáo và không bị kháng nghị về tội danh cũng như hình phạt nên HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên án phạt tù chung thân đối với Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978) – cựu Quyền Trưởng phòng Giao dịch (Vietinbank TP HCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đối với Võ Anh Tuấn (SN 1972) – cựu Phó Giám đốc Vietinbank Nhà Bè, HĐXX khẳng định kháng cáo của bị cáo về “một hành vi bị xử lý hai lần” và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là không có cơ sở để chấp nhận. Do đó, TAND Cấp cao tại TP HCM quyết định bác toàn bộ các nội dung kháng cáo của bị cáo này.

Theo đó, Võ Anh Tuấn vẫn bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp với hình phạt với 20 năm tù theo bản án phúc thẩm năm 2015 cũng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cựu Phó Giám đốc Vietinbank Nhà Bè phải chấp hành chung là 27 năm tù.

"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tại phiên tòa.

Về kháng cáo của 4/5 doanh nghiệp trong vụ án là Công ty CP Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Chứng khoán Phương Đông, Công ty Đầu tư và Thương mại An Lộc với yêu cầu Vietinbank phải liên đới hoặc bồi thường toàn bộ số tiền mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt cũng không được HĐXX phúc thẩm chấp thuận.

Nhìn nhận về vụ án, HĐXX xác định, bị cáo Như với tư cách là Kiểm soát viên, Quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ (Vietinbank TP HCM) đã có những hành vi gian dối ngay từ đầu, khi lấy tên giả, đưa ra thông tin không đúng sự thật về lãi suất.

Sau đó Như làm giả các hợp đồng tiền gửi, giả hợp đồng ủy thác hoặc  hợp đồng có trình lãnh đạo nhưng không phản ánh đúng thực tế giao dịch… Bằng thủ đoạn này, bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt của 5 công ty tổng số hơn 1.085 tỉ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Như thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, không kháng cáo nên phần tội danh và hình phạt đối với bị cáo đã có hiệu lực pháp luật. Điều này đã thể hiện nhất quán về việc đánh giá tội lừa đảo đối với các hành vi lừa đảo trước đó của bị cáo với những người liên quan là đúng và có căn cứ pháp luật.

Hồ sơ vụ án và diễn biến phiên ở cả 2 cấp tòa cho thấy, năm 2011, “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như đã dùng các thủ đoạn gian dối là “bẫy” lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi; tạo lập hợp đồng ủy thác đầu tư giả; lập phiếu chi, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, của lãnh đạo và cựu lãnh đạo Vietinbank Nhà Bè… để chiếm đoạt của Công ty SBBS hơn 209,9 tỉ đồng, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu hơn 124,9 tỉ đồng, Công ty Phương Đông 380 tỉ đồng và Công ty An Lộc hơn 170 tỉ đồng.

Ngoài ra, cũng bằng thủ đoạn dẫn dụ hưởng lãi suất cao trái quy định, Huỳnh Thị Huyền Như còn chiếm đoạt của Công ty Hưng Yên hơn 200 tỉ đồng. Ở hành vi này, Võ Anh Tuấn được xác định là người giúp sức cho “siêu lừa” và được hưởng lợi cá nhân 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 2-2018, Công ty Hưng Yên không kháng cáo.

Về nội dung kháng cáo của bà Lê Thị Thanh Phương (Giám đốc Khối nguồn vốn Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TpBank, thời điểm Huyền Như phạm tội), xoay quanh việc bị truy thu số tiền 37 tỉ đồng lãi ngoài hợp đồng, HĐXX phúc thẩm cũng không xem xét với lý do kháng cáo đã quá thời hạn luật định.