Khai thác vàng trái phép xử lý như thế nào?

ANTD.VN - Hiện nay, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép diễn ra ngày càng phức tạp và gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Mặc dù, việc khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khai thác vàng trái phép đã có những quy định và hình thức xử lý cụ thể thế nhưng tình trạng này vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên quốc gia, tình hình trật tự an toàn xã hội. Vậy việc khai thác vàng trái phép sẽ bị xử lý như thế nào?

Như ANTĐ thông tin, khoảng 2h ngày 4-11, tại hang Cột Cờ, thôn Lộng, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình, đã xảy ra vụ sập hầm khai thác vàng trái phép khiến 2 người bị mất tích.

Danh tính 2 nạn nhân được xác định là Bùi Văn Thú (SN 1990, trú tại xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy) và Trương Công Chánh (SN 1992, trú ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa).

Khu vực khai thác vàng trái phép bị sập khiến 2 người mất tích tại Lạc Thủy – Hòa Bình

Nguyên nhân ban đầu được xác định, vào thời gian trên, anh Thú và anh Chánh vận hành ô tô, máy xúc khai thác đất chứa quặng thì đập ngăn nước phía trên cửa hang bị vỡ. Khối lượng lớn bùn đất và nước đã tràn vào trong hang làm 2 người và 1 xe ô tô, 1 máy xúc bị cuốn trôi sâu vào trong khoảng 100m.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND tỉnh Hòa Bình cùng các cơ quan chức năng có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Hơn 100 chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ… cùng các phương tiện chuyên dụng được huy động triển khai công tác tìm kiếm.

Các lực lượng chức năng đang tiến hành tìm kiếm nạn nhân mất tích

Theo đại diện UBND huyện Lạc Thủy, từ tháng 3-2016 đến nay, UBND huyện đã ban hành gần 30 văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản. Qua kiểm tra, tại thôn Lộng, xã Thanh Nông, phát hiện trường hợp ông Bạch Xuân Hưng có hành vi khai thác vàng sa khoáng trái phép; UBND xã đã lập 3 biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, nhưng ông Hưng vẫn cố tình tái phạm.

Ngày 5-10-2018, UBND xã Thanh Nông kiểm tra tháo dỡ lán trại, di dời máy móc phương tiện. Tuy nhiên do chưa khắc phục đoạn đường bị sạt lở nên số máy móc, phương tiện chưa di dời được. Lợi dụng thời gian này, ông Hưng đã lén lút thực hiện khai thác vàng trở lại vào ban đêm, và sáng 4-11 thì xảy ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng.

Theo Đại tá Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình: CQĐT đã tạm giữ hình sự đối tượng Bạch Xuân Hưng, chủ bãi khai thác vàng trái phép, để phục vụ công tác điều tra.

Xử phạt hành chính vì khai thác vàng trái phép

Mặc dù được nhắc nhở nhiều lần, thế nhưng vì “lòng tham” nhiều chủ khai thác vàng không có giấy phép vẫn ngang nhiên lộng hành. Ngỡ rằng “bới đất” sẽ tìm được vàng thế nhưng khi vàng chưa tìm được thì đã bị phạt.

Như LĐO đưa tin, ngày 29-9, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Bùi Mạnh Hùng (38 tuổi, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Ninh Bình) số tiền là 150 triệu đồng do đã có hành vi khai thác khoáng sản là vàng không có giấy phép.

Khai thác vàng trái phép sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định

Trước đó, ngày 3-4-2018, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng kiểm tra và phát hiện ông Bùi Mạnh Hùng đang tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản vàng trái phép có quy mô lớn tại xã Đà Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài hình thức phạt tiền, ông Hùng còn bị phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật gồm: 160 tấn đất quặng khoáng nguyên, 1 máy múc, 1 xe ben, 1 dàn sàng và 2 máy bơm nước. Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng buộc ông Hùng thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn và phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này, nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Khai thác vàng trái phép có thể bị xử lý hình sự

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, ngày 23-7 đoàn công tác của Bộ TN-MT do Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về công tác quản lý nguồn tài nguyên, khoáng sản.

Trước tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra trên địa bàn, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, cần phải quản lý chặt chẽ hơn và kiên quyết đẩy đuổi người ngoài địa phương vào làm vàng trái phép.

Còn ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất - Khoáng sản, cho biết Bộ đang nghiên cứu chế tài xử phạt, nhất là đối với việc khai thác vàng trái phép; trong đó có đề cập đến việc xử lý hình sự để tăng sức răn đe.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt tại khu vực bãi vàng Bồng Miêu. Tại đây, rất nhiều lần cơ quan chức năng, công an vào cuộc truy quét xóa bỏ tình trạng khai thác vàng trái phép thế nhưng “đâu lại vào đấy”.

Như Thanh Niên đưa tin, sáng 18-4-2017, Phòng Cảnh sát cơ động và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp Công an huyện Phú Ninh tổ chức truy quét tại các bãi khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam).

Lực lượng chức năng truy quét các bãi khai thác vàng trái phép ở Quảng Nam

Khi kiểm tra và truy quét tại các khu vực núi Kẽm,Thác Trắng, Đồi Sim, Suối Tre, Lò 10 (xã Tam Lãnh), lực lượng chức năng đã tiêu hủy làm mất tác dụng nhiều máy nổ, tiêu hủy 5 thùng hóa chất… thu giữ gần 3 tấn đá quặng, lập biên bản và thu giữ 4 xe máy.

Ngoài ra còn đẩy đuổi hơn 150 người dân ra khỏi khu vực khai thác vàng trái phép tại khu vực bãi vàng Bồng Miêu.

Khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại điều 227 Bộ Luật hình sự về tội vi phạm hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên sẽ bị xử lý như sau:

1. Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thuỷ, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên;

b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 trở lên;

c) Có tổ chức;

d) Gây sự cố môi trường;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

e) Làm chết người.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.