Đừng thành tội phạm vì... đánh trộm

ANTĐ - Mất tài sản, ai mà chẳng tức. Như một phản xạ tự nhiên, khi bắt được trộm, chủ nhân của tài sản chỉ muốn đánh cho bõ tức. Tuy nhiên quy định của luật pháp đã rõ ràng, nếu không kiềm chế được, nạn nhân rất dễ trở thành tội phạm.    

 Cả giận mất khôn

Trưa 4-11-2012, Nguyễn Văn Tuấn rủ 2 đối tượng (ở xã Phù Linh, và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn) sang xã Bắc Sơn bên cạnh để trộm cắp tài sản. Khi đi, Tuấn mang theo một vam phá khóa xe máy và điều khiển xe máy chở đồng bọn. 15h cùng ngày, nhóm Tuấn phát hiện tại sân Nhà văn hóa thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn có chiếc xe máy hiệu Honda Dream II của ông Nguyễn Thế Tới (người địa phương) dựng hớ hênh. Ngay lập tức, Tuấn chuyển tay lái cho đồng bọn nổ máy chờ sẵn bên ngoài, còn đối tượng đi vào trong lấy cắp tài sản. 

Đừng thành tội phạm vì... đánh trộm ảnh 1

Đánh người phạm tội, bản thân người đánh cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Thế nhưng  khi Tuấn vừa lấy được xe, ông Tới phát hiện và tri hô. Trong lúc ông Tới cùng một số người truy đuổi nhóm Tuấn thì Nguyễn Văn Nhâm (SN 1992, trú ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, cùng huyện Sóc Sơn) nhận được điện thoại của người cùng thôn thông báo chặn đường bắt trộm. Bị bủa vây, Tuấn lập tức vứt bỏ chiếc xe vừa lấy cắp để nhảy lên phương tiện của đồng bọn hòng tẩu thoát. Song do không thông thuộc địa bàn nên Tuấn cùng các đối tượng liên quan nhanh chóng bị người dân xã Bắc Sơn tóm gọn. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi bắt được trộm, Nhâm cùng một số người đã dùng gậy gỗ đánh Tuấn phải nhập viện và tử vong sau đó. Với hành vi này, tới đây Nguyễn Văn Nhâm cùng 2 can phạm nữa sẽ phải ra hầu tòa về tội “Giết người”, quy định tại khoản 2, Điều 93-BLHS. 

Đừng thành tội phạm vì... đánh trộm ảnh 2

Đánh người ăn trộm đến chết, Nguyễn Văn Nhâm (giữa) cùng hai đối tượng liên quan 
sẽ bị truy tố về tội “Giết người” 

Cách đây chưa lâu, TAND TP Hà Nội cũng đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Tiến Nhâm (SN 1972, ở xã Vân Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội) chung thân về tội Giết người. Nhâm vốn làm bảo vệ cho một khu du lịch sinh thái ở Ba Vì.

Tối 13-9-2012, trong lúc đối tượng cầm gậy đi tuần tra thì phát hiện anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1962, người cùng xã) đi bộ, đầu đội mũ bảo hiểm và trên tay cầm một cuộn dây thừng rất khả nghi. Nhìn thấy bảo vệ khu sinh thái, anh Tuấn lập tức bỏ chạy. Nghĩ đó là người đến cắt trộm cỏ, Nhâm lập tức đuổi theo, dùng gậy đánh anh Tuấn tới tấp, khiến nạn nhân tử vong.

Nhìn nhận về hiện tượng này, ông Nguyễn Xuân Hùng - Thẩm phán TAND TP Hà Nội cho biết, bị trộm cắp tài sản thì về tâm lý ai cũng bực tức, uất ức. Từ đó họ thường có hành động “trút giận” lên người lấy trộm khi bắt được. Tuy nhiên, mọi hành vi xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, tính mạng người khác, dù đó là người phạm tội đều bị pháp luật ngăn cấm. 

Lập tức trình báo công an

Cũng theo thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng, thực tế xét xử các vụ án về đánh chết trộm trong thời gian qua cho thấy, đa phần đều xảy ra ở các vùng nông thôn, đáng lưu ý là trong các vụ việc như thế này, số lượng bị cáo thường lớn hơn 2. 

Thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng phân tích, sở dĩ như vậy vì ở những vùng nông thôn nước ta, tâm lý làng xã vẫn rất đậm nét không chỉ đơn thuần là vấn đề văn hóa mà còn bao gồm cả kinh tế - xã hội. Việc họ phải tương trợ nhau để tăng gia sản xuất, bảo vệ mùa màng hoặc giữ gìn an ninh, trật tự trong làng xã là điều vô cùng cần thiết. Cũng chính vì thế mà khi họ nhận thấy có sự mất an toàn dù chỉ đối với một người hoặc một gia đình nào đó trong xóm, trong làng thì tất cả mọi người xung quanh đều sẵn sàng giúp đỡ.

Hơn nữa, người Việt Nam ta vốn rất ghét cái xấu, cái ác, ghét thói không chịu lao động nhưng lại muốn hưởng thụ. Do đó, khi có những tình huống như vậy xảy ra thì đa số người dân đều có những phản ứng nhất định. Nói riêng về những vụ người dân đánh chết kẻ trộm, thẩm phán Nguyễn Xuân Hùng cho rằng tâm lý tương trợ cộng đồng nêu trên nếu chỉ dừng lại ở việc mọi người cùng nhau truy bắt kẻ trộm thì đó là điều rất tốt, góp phần vào phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự. Tuy nhiên, nếu vượt qua giới hạn ấy, có nghĩa là bắt được kẻ trộm nhưng không giải đến cơ quan công an mà lại trói chân tay, đưa ra giữa làng hoặc đâu đó để đánh đập, làm nhục thì pháp luật hoàn toàn nghiêm cấm. Tất cả những người thực hiện hành vi như vậy sẽ bị pháp luật xử lý, tùy theo tính chất mức độ.

Bàn về hậu quả trong hành vi hành hung kẻ trộm, luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng VPLS Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, cho dù là kẻ trộm thì bất kỳ ai cũng không được phép xâm phạm tới sức khỏe, thân thể và tính mạng, danh dự, nhân phẩm. Nếu ai đó thực hiện một trong các hành vi ấy thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ phải gánh chịu hậu quả pháp lý tương ứng. Cụ thể, nếu đánh và gây ra thương tích cho người trộm cắp tài sản thì có thể bị phạt tù về tội “Cố ý gây thương tích”, theo Điều 104; “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, Điều 105-BLHS.

Trường hợp đánh cố ý đánh đến chết hoặc vì lý do bị đánh, người trộm cắp tài sản mất mạng thì những người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý nặng nhất là theo khoản 1, Điều 93, tội “Giết người” hoặc cũng bị xử lý với tội danh đó, nhưng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2. Còn ở vào trường hợp chỉ cố ý gây thương tích cho người trộm cắp tài sản, nhưng vẫn dẫn tới hậu quả chết người thì bị xem xét, phạt tù theo khoản 3, Điều 104 - BLHS hoặc khoản 2, Điều 105. Nếu có hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người ăn trộm thì có thể sẽ bị xử lý về tội “Làm nhục người khác”, theo Điều 121 - BLHS. 

Trước hiện tượng đánh chết người trộm cắp tài sản hiện nay, luật sư Giang Hồng Thanh khuyến cáo khi bắt được kẻ gian, người dân phải lập tức trình báo, đồng thời giao nộp đối tượng cho cơ quan công an. Về phía Nhà nước, vị luật sư này cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật hình sự sâu rộng hơn nữa, bởi thực tế cho thấy không ít trường hợp người phạm tội là do kém hoặc không hiểu biết 

pháp luật.