Dùng 700 lượng vàng giả rút 19 tỷ đồng tiền thật từ ngân hàng, phạm tội gì?

ANTĐ - Ngày 19-12, CAH Cái Nước (Cà Mau) tạm giữ hình sự Dương Minh Giỏi (30 tuổi) và Phan Văn Hải (34 tuổi), cùng trú tại thị trấn Cái Nước để điều tra hành vi chiếm đoạt tài sản. Hai nghi can này đã dùng vàng giả cầm cố ngân hàng lên đến gần 19 tỷ đồng và không trả được nợ ngân hàng.
Dùng 700 lượng vàng giả rút 19 tỷ đồng tiền thật từ ngân hàng, phạm tội gì? ảnh 1


Nội dung vụ án

Sau khi đầu thú, Giỏi và Hải khai nhận, cuối năm 2009 thua cá độ bóng đá với số tiền lớn. Do Giỏi có anh ruột là Dương Thanh Tuấn (38 tuổi) làm cán bộ ngân hàng, Giỏi cùng bạn cầu cứu người này và được bày cách mua vàng giả ở các chợ trong tỉnh mang về làm tài sản cầm cố vay tiền ngân hàng.

Với nhiệm vụ thẩm định vàng tại Phòng giao dịch Đầm Cùng thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, Tuấn đã xác nhận gần 700 lượng vàng giả của đồng bọn đưa vào là vàng thật. Tin tưởng cán bộ thẩm định, ngân hàng đã lập 66 hợp đồng, giải ngân cho đồng bọn của Tuấn chiếm đoạt gần 19 tỷ đồng chia nhau tiêu xài, trả nợ, “nướng” tiếp vào cá độ bóng đá và thua hết, không trả nợ được ngân hàng. Ngày 13-12, hành vi của Tuấn bị phát hiện. Giải trình với ngân hàng, Tuấn thừa nhận sai phạm và đến công an tự thú trước khi bị đình chỉ công tác phục vụ điều tra.

Vấn đề là với những tình tiết như vậy, các nghi can Giỏi, Hải và Tuấn đã có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự theo tội danh nào?


Ý kiến bạn đọc 

Đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Các nghi can đã có hành vi dùng vàng giả gian dối thành vàng thật để lừa ngân hàng vay tiền tiêu xài cá nhân và sau đó đã chiếm đoạt không trả được nợ cho ngân hàng. Vụ việc đã được bại lộ khi ngân hàng phát hiện vàng được thế chấp là vàng giả. Với những tình tiết này, các nghi can đã có dấu hiệu vi phạm Điều 139 (BLHS) với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Nguyễn Văn Thắng (Cái Nước, Cà Mau)


Phải truy tố ở khung hình phạt cao nhất

Theo tôi, đây là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Các nghi can đã phạm tội có ý thức, có tổ chức và liều lĩnh. Các nghi can đều biết rõ vàng là giả nhưng vẫn quyết đưa vào ngân hàng để chiếm đoạt tài sản. Các nghi can đã bàn bạc với nhau, tổ chức đi mua vàng giả, tổ chức kiểm định giả để rút tiền ngân hàng. Thêm nữa, các nghi can lại dùng tài sản chiếm đoạt được để thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật khác là đánh bạc. Tài sản các nghi can chiếm đoạt rất lớn, lên đến 19 tỷ đồng, vượt mọi khung quy định trong Bộ luật Hình sự. Các nghi can này theo tôi phải truy tố tại khung hình phạt cao nhất ở cả hai tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đánh bạc. 

Trần Phước Bính (P.1, Q.3, TP.HCM)


Dương Thanh Tuấn là kẻ chủ mưu và phạm 2 tội

Theo tôi trong vụ án này, Dương Thanh Tuấn có vai trò hết sức quan trọng. Tuấn là đồng phạm trong hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Tuấn đã bày cách cho 2 đồng bọn đi mua vàng giả để thế chấp ngân hàng. Hơn nữa là cán bộ ngân hàng, được giao nhiệm vụ thẩm định tài sản, biết rõ hành vi phạm tội của đồng phạm nhưng Tuấn đã giúp sức để hành vi phạm tội của đồng bọn được thực hiện. Trong vụ việc này nếu không có sự giúp sức tích cực của Tuấn thì Giỏi và Hải cũng không thể thực hiện được hành vi của mình. Tôi cho rằng Tuấn phạm 2 tội là Tội lừa đảo và Tội tham ô. Tuấn đã lợi dụng quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước với số tiền lớn.

Tuấn Đức  (Mỹ Đức, TP Hà Nội)

Tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 278, Bộ luật Hình sự như sau:

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Gây hậu quả nghiêm trọng; b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Phạm tội nhiều lần; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.



Bình luận của luật sư


Căn cứ theo tình tiết vụ việc và lời thừa nhận của các nghi can, có thể khẳng định đã có hành vi chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ở đây có 3 nghi can và có 3 hành vi phạm tội. Chúng ta phân tích chi tiết như sau:

Với 2 nghi can Giỏi và Hải, rõ ràng hành vi dùng vàng giả thế chấp để vay tiền và sau đó chiếm đoạt là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khách thể của tội phạm: hành vi của Giỏi và Hải đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của ngân hàng đối với 19 tỷ đồng đã không thu hồi được. Mặt khách quan của tội phạm: Giỏi và Hải đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối lấy vàng giả nhờ anh ruột là cán bộ kiểm định xác nhận vàng thật để chiếm đoạt số tiền lên đến 19 tỷ đồng, gây hậu quả nghiêm trọng. Về mặt chủ quan của tội phạm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Giỏi và Hải nhận thức rõ hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của mình là trái pháp luật. Đồng thời thấy trước hậu quả của hành vi và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Giỏi và Hải đã phạm tội rất nghiêm trọng với lỗi cố ý trực tiếp. Với nhận định đó, Giỏi và Hải đã vi phạm khoản 4, Điều 139, BLHS có mức phạt tù tới chung thân.

Hai nghi can này còn có dấu hiệu vi phạm khoản 2, Điều 248, BLHS với tội danh Đánh bạc với mức phạt tù lên đến 7 năm.

Đối với nghi can Dương Thanh Tuấn, với hành vi bày cách mua vàng giả ở các chợ trong tỉnh mang về làm tài sản cầm cố vay tiền ngân hàng, trực tiếp thẩm định gian dối để lừa ngân hàng, tạo điều kiện cho Giỏi và Hải chiếm đoạt 19 tỷ đồng qua 66 hợp đồng tín dụng có dấu hiệu đồng phạm với Giỏi và Hải với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, nếu Tuấn có nhận tiền từ Giỏi và Hải sau khi chiếm đoạt tiền của ngân hàng, rất có thể Tuấn sẽ bị truy tố về Tội tham ô theo Điều 278 (BLHS), một tội có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Dấu hiệu của tội này là là có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Ở đây, lợi dụng trách nhiệm thẩm định tài sản thế chấp, Tuấn đã cố tình gian dối để tạo điều kiện cho Giỏi và Hải chiếm đoạt tài sản của ngân hàng mình công tác, mình được giao quản lý, bảo vệ bằng trách nhiệm thẩm định chuẩn chất lượng vàng thật vàng giả. Số tiền mà nếu Tuấn có nhận từ Giỏi và Hải được xác định là số tiền chiếm đoạt từ ngân hàng, tức là từ tài sản mà Tuấn có trách nhiệm quản lý, bảo vệ. 
Với những nhận định trên, đối với nghi can Tuấn có 2 trường hợp xảy ra. Nếu Tuấn không nhận tiền của Giỏi và Hải sau khi thực hiện giám định vàng gian dối, Tuấn sẽ bị truy tố theo tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu Tuấn có nhận tiền của Giỏi và Hải sau khi giám định gian dối, có thể Tuấn sẽ bị truy tố theo tội danh Tham ô tài sản, và tùy theo số tiền nhận từ Giỏi và Hải, Tuấn sẽ phải chịu hình phạt theo khoản 3, Điều 278, BLHS với mức phạt tù lên đến 15 năm. Và nếu Tuấn nhận của Giỏi và Hải số tiền lên đến trên 500 triệu đồng, có thể Tuấn sẽ bị truy tố theo khoản 4, Điều 278, BLHS với hình phạt phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)