Do dịch Covid-19, doanh nghiệp muốn tạm dừng hoạt động phải làm gì?

ANTD.VN -Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Ngoài một số đơn vị cho cách tiếp tục cầm cự, cố gắng duy trì hoạt động thì không ít doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh. Vậy muốn thực hiện điều này, họ phải tiến hành những thủ tục gì?

Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất, công trường xây dựng tổ chức cho cán bộ công nhân viên, người lao động nghỉ tại nhà, nơi cư trú, tại nhà máy, tại công trường xây dựng (nếu có), trừ các trường hợp: sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu như như: Sản xuất, sơ chế, chế biến lương thực, thực phẩm, hoa quả, dược phẩm, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh, an ninh quốc phòng; dịch vụ cung cấp điện, nước, vệ sinh môi trường….

Như vậy, ngoài các doanh nghiệp trên, các đơn vị sản xuất kinh doanh các ngành nghề còn lại gặp không ít khó khăn phải chọn cách tạm dừng hoạt động để “né” đại dịch.

Theo quy định hiện hành, tạm ngừng kinh doanh chỉ làm chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, hết thời hạn tạm ngừng, doanh nghiệp sẽ trở lại hoạt động bình thường.

Về thủ tục tạm ngừng kinh doanh, khoản 1 Điều 200 Luật Doanh nghiệp quy định, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.

Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh; Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên (với Công ty TNHH hai thành viên trở lên), của chủ sở hữu công ty đối với Công ty TNHH một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với Công ty CP…

Với doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì ngoài các giấy tờ nêu trên, doanh nghiệp nộp kèm theo: Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư; Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế; Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Theo Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh.

Doanh nghiệp được quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng không được tạm ngừng quá 1 năm. Sau khi hết thời hạn trên, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh, song tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá 2 năm.

Nếu dịch Covid-19 kết thúc sớm, doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo thì phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký chậm nhất 15 ngày trước khi tiếp tục kinh doanh.