Đánh đập, hành hạ trẻ nhiễm HIV, phạm tội gì?

ANTĐ -Cho đến nay, sau một quá trình xác minh làm rõ, cơ quan chức năng đã khẳng định: Đã có tình trạng các bảo mẫu đánh đập, hành hạ các em bé nhiễm HIV tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Các clip do các phóng viên và những người quan tâm ghi được đã cung cấp nhiều chứng cứ hợp pháp luật. 

 Nội dung vụ án

Sáng 25-2, bảo mẫu tên Châu một tay giữ đầu bé trai tên T., tay còn lại đút thức ăn. Do T. không chịu nuốt thức ăn, bảo mẫu đã Châu tát vào mặt bé. Bé T. khóc, liền bị bà tát thêm hai cái. Sau đó, bà Châu dùng tay đánh một bé trai khác rồi quay sang cho C.T. và M. ăn. Khi C.T. chưa kịp nuốt thì bị bà Châu dùng tay đập một cái vào đầu rồi quay qua chửi mắng các bé khác. Cùng thời điểm trên, bảo mẫu tên Qúy cho bé gái tên T. (khoảng 3 tuổi) ăn khi bé đang ngồi dưới đất. Bé T. khóc không chịu ăn thì bà Quý quát lớn, dùng tay đánh vào đầu. Sau đó bà Quý lấy dép giơ lên dọa đánh hai lần sau đó vụt vào chân bé này bốn cái khiến bé khóc ré lên. T. định chạy thì bà túm áo giữ lại rồi dùng hai tay siết tay, hai chân kẹp T. Bé gái vùng vẫy, bà Quý  ghì chặt lại rồi tát vào mặt. Bà nắm hai tay giật nhiều lần sau đó buông tay ra khiến bé ngã lăn xuống nền gạch.

Trước đó sáng 23-1, bảo mẫu tên Lan lần lượt đút cháo cho C.T. và M.. Trong lúc đút cháo cho C.T., bà Lan gọi một bé trai lại gần và béo tai khiến bé kêu ré lên. Bà Lan tát vào má của bé M. đang ngồi bên cạnh. Khi bị nhồi muỗng cháo đầy vào miệng, bé C.T. nuốt không hết liền bị bà đánh vào trán. Bà liên tục đút cháo cho bé M., mỗi thìa cháo bà này thường nhồi liên tục 3-5 lần vào miệng bé M.. Sau khi cho ăn, bà Lan cho hai bé gái này uống nước bằng cách dùng tay ấn đầu ngửa ra đằng sau rồi đổ nước vào miệng.

Sáng hôm sau 24-1, khi bảo mẫu tên Quý đang cho một bé gái ăn thì bé T. làm đổ ghế nhựa. Bà này liền đứng dậy đi tới đá hai cái vào người. Cuối bữa ăn sáng cùng ngày, bà Lan dùng chân đạp bé C.T. từ khu vực cho ăn vào trong phòng.

Chiều 26-2, khi T. đang ngồi trên ghế thì bảo mẫu tên Hà chạy tới lấy dép đánh liên tiếp vào chân rồi lắc chân ghế để dọa T. Khoảng 10 phút sau, bà Hà tiếp tục lắc ghế và lấy dép đánh T.. Ngoài T., bé trai khác cũng bị bà Hà đánh vào đầu khi đang ăn, bà Hà còn cầm tay T. để đánh vào người bé trai này.

Trong giờ ăn sáng 4-3, bà Trinh ngồi đút thức ăn cho các bé, liên tục lớn tiếng, tay chỉ trỏ, đánh nhiều lần vào đầu các bé đang tự múc ăn. Tiếp đến, bà Trinh  đưa bé T. đứng lên ghế, bé này khó khăn lắm mới lấy thăng bằng thì bà này mau chóng chạy đến xách tay T. mang lên ghế... 

Sáng 5-3, bà Trinh giữ đầu cho bé T. ngẩng mặt lên, liên tục rót sữa vào miệng. Tiếp đến, bà này chồm người vả một cái vào mặt một bé trai khác rồi tiếp tục vả ngược lại bằng mu bàn tay làm bé này khóc thét. Khoảng một phút sau, khi đang đút sữa cho T., một bé trai khác không có biểu hiện gì phá phách, bà Trinh bước tới nắm tay kéo đứng dậy, xoay cổ tay béo tai. Đứa trẻ khóc liền bị bảo mẫu này xé miếng bánh bao nhét vào miệng, chỉ tay vào mặt, kéo đi. Đứa trẻ vừa khóc vừa nhai thì bị bà tiếp tục nhéo tai. 

Sau khi xem xét, năm bảo mẫu đã bị đình chỉ công tác để xem xét mức độ vi phạm gồm Vũ Thị Quý (52 tuổi), Trần Thị Thu Trinh (44 tuổi), Nguyễn Thị Lan (46 tuổi), Nguyễn Thị Bảo Châu và Lưu Thị Hà. Công an quận Thủ Đức đã bắt đầu điều tra ban đầu vụ án này.

Vấn đề cần trao đổi là các nghi can Quý, Trinh, Lan, Hà, Châu có phạm tội hình sự không và nếu có thì phạm tội theo tội danh nào? Lãnh đạo Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật không?

 Ý kiến bạn đọc

Vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Điều 4 Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 cũng quy định: “Trẻ em, không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung; không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật”. Theo nội dung vụ án, các bảo mẫu đã đánh đập, hành hạ, xúc phạm nhiều trẻ em. Các nghi can này đã vi phạm Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Xét mức độ hành vi vi phạm pháp luật của năm bảo mẫu, có thể các bảo mẫu này sẽ bị xử lý theo Khoản 1, Điều 13, Nghị Định 91/2011/NĐ-CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, mức phạt hành chính từ 1.000.000  đến 5.000.000 đồng.

 

Trần Thị Huệ
 (Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên)

Hành vi vi phạm diễn ra liên tục, không thể xử lý hành chính

Qua nội dung vụ việc cho thấy, các bảo mẫu đã thường xuyên hành hạ các cháu bé. Hành vi hành hạ diễn ra liên tục với nhiều cháu bé, và nhiều bảo mẫu đã thực hiện hành vi dã man và hết sức thô bạo. Hành vi phạm tội đã được các bảo mẫu thực hiện đối với các cháu không có khả năng bảo vệ mình. Rất có thể hành vi này, trước đó đã diễn ra rất nhiều lần nhưng không bị tố giác (đề nghị cơ quan điều tra cần làm rõ việc này). Điều đó làm tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của các cháu nhỏ vốn đã rất thiệt thòi và thiếu thốn tình cảm. Các cháu không thể phát triển tâm lý bình thường được khi ngày ngày phải sống trong môi trường tệ hại như vậy. Hành vi của các bảo mẫu phải bị truy tố về tội cố ý gây thương tích. Dù cho thương tật của các cháu chưa đến 11% như Luật quy định, song với các tình tiết tăng nặng như hành vi phạm tội diễn ra nhiều lần, đối với nhiều người, phạm tội đối với những trẻ em không có khả năng tự vệ… Cần phải xử lý hình sự chứ không chỉ phạt hành chính.

Ngân Giang (Mỹ Đức- Hà Nội)

Đồng tình với ý kiến cần truy tố các bảo mẫu về tội cố ý gây thương tích

Xem xét những hành vi dã man của các bảo mẫu này, cần phải khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác” theo điều 104 BLHS mới phù hợp. Theo các clip mà chúng ta thấy được thì trong thời gian dài, các bảo mẫu đã gí đầu, đè cổ, vô cớ đánh đập  các em nhỏ một cách thô bạo… Nhưng đỉnh điểm hành động của hai bảo mẫu là đánh, tát, đạp mạnh… liên tục như vậy thì không còn dừng lại việc đối xử nữa mà đã có dấu hiệu cấu thành của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác. Trong trường hợp này không cần phải có thương tật trên 11% mà vẫn có thể khởi tố vụ án. Các nghi can này sẽ chịu mức hình phạt tối đa là 3 năm tù.

 Nguyễn Văn Bắc
 (Thị trấn Văn Chấn, Yên Bái)

Cần xem xét cả hành vi phạm tội hành hạ người khác

Trong sự việc này, hành vi bạo hành trẻ em của các bảo mẫu tại Trung tâm Linh Xuân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Hành hạ người khác” với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội đối với trẻ em” theo quy định tại điểm a - khoản 2 - điều 110 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, các nghi can này còn vi phạm Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Khoản 3 Điều 8 Luật này có quy định: Nghiêm cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.  Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định riêng về tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với hành vi bạo hành trẻ em bị nhiễm HIV mà mới chỉ dừng lại ở hành vi bạo hành trẻ em nói chung, vì vậy, khi truy tố các nghi can này theo tội danh nào, phải coi việc hành hạ trẻ em nhiễm HIV là tình tiết tăng nặng. 

 Nguyễn Văn Phương 
(Hà Trung, Thanh Hóa)


 Bình luận của luật sư 

Theo nội dung vụ án, đã có sự xâm phạm tính mạng, sức khoẻ và nhân phẩm của các cháu bé trong Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân. Năm nghi can, nguyên là bảo mẫu: Vũ Thị Quý, Trần Thị Thu Trinh, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Bảo Châu và Lưu Thị Hà là những người có hành vi đánh đập, hành hạ các em bé nhiễm HIV đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Các hành vi này có thể bị truy tố theo hai tội danh: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác theo Điều 104 BLHS hoặc Hành hạ người khác theo điều 110 BLHS. Chúng ta xem xét đối chiếu hành vi của các nghi can với quy định cụ thể tại các điều luật trên. 

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng là phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Điều 110. Tội hành hạ người khác:  Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình, đặc biệt với người già, phụ nữ và trẻ em là phạm tội Hành hạ người khác. Xem xét yếu tố các trẻ em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm là những người phụ thuộc vào các nghi can làm nhiệm vụ bảo mẫu, do các nghi can chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, có thể khẳng định, 5 nghi can nguyên là bảo mẫu có dấu hiệu phạm tội Hành hạ người khác, trong trường hợp này là Hành hạ trẻ em với những tình tiết tăng nặng: hành hạ nhiều người, nhiều lần, hành hạ trẻ em nhiễm HIV, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm, sức khỏe của các em. 

Tội Hành hạ người khác có đặc trưng khách thể của tội phạm là hành hạ người khác là hành vi đối xử tàn ác như gây đau đớn về thể xác, đè nén, áp bức về tinh thần người bị lệ thuộc. Khách thể bị tội này xâm phạm là quyền được bảo hộ sức khỏe, tự do, danh dự của người bị lệ thuộc. Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi đối xử tàn ác với người bị lệ thuộc vào người phạm tội. Hành vi đối xử tàn ác là làm cho nạn nhân đau đớn về thể xác và đè nén, áp bức về tinh thần như: đánh đập, giam hãm không cho ra khỏi nhà, bắt nhịn ăn, uống, không cho mặc đủ ấm… Chủ thể của tội phạm này là người đủ năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người mà nạn nhân bị lệ thuộc như người nuôi dưỡng đối với người được nuôi dưỡng…

Xét theo các quy định đó, năm nghi can đã vi phạm Luật Hình sự theo tội danh Hành hạ người khác. Hành vi này có thể bị truy tố theo khoản 2 điều 110 BLHS  quy định hình phạt tù từ một năm đến ba năm với hai tình tiết tăng nặng: hành hạ  trẻ em, người tàn tật và hành hạ nhiều người là từ hai người trở lên.

Giám đốc của Trung tâm Linh Xuân chắc chắn phải chịu trách nhiệm khi để cho hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em xảy ra tại Trung tâm của mình. Khi trở thành người đứng đầu Trung tâm, họ phải có trách nhiệm quản lý Trung tâm và chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cơ quan quản lý Nhà nước về mọi việc xảy ra trong Trung tâm. Để xảy ra việc các trẻ am nhiễm HIV bị hành hạ, người đứng đầu Trung tâm Linh Xuân có thể sẽ bị xử lý kỷ luật. Hơn nữa, nếu trong trường hợp xác định sự việc gây ra hậu quả nghiêm trọng thì Giám đốc Trung tâm còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Thiếu trách hiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại điều 285 BLHS.

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)