Dâm ô người dưới 16 tuổi gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt đến 12 năm tù

ANTD.VN - Những ngày qua, vụ việc ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn, Phú Thọ bị cơ quan Cảnh sát điều tra CAH Thanh Sơn ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam, liên quan đến nội dung tố cáo xâm hại, lạm dụng tình dục hàng chục học sinh nam trước đó, đang gây ra sự bất bình rất lớn trong dư luận. Nhiều bạn đọc gọi điện thoại, gửi câu hỏi đến Báo ANTĐ, hỏi về mức chế tài theo quy định pháp luật đối với tội phạm này.

Dâm ô người dưới 16 tuổi gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt đến 12 năm tù ảnh 1Nhiều trẻ em bị lạm dụng tình dục không dám nói lên sự thật (ảnh minh họa)

Xâm hại tình dục trẻ em- Hành vi bị trừng trị nghiêm khắc

Để trả lời bạn đọc, phóng viên Báo ANTĐ đã liên hệ với luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội, và được luật sư cho hay:Xâm hại tình dục đối với trẻ em (người dưới 16 tuổi) là một hành vi đáng bị xã hội lên án và trừng trị nghiêm khắc.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng phạm tội có thể bị khởi tố về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015  quy định, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh… thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Phạm tội gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 7-12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa, nạn nhân của hành vi dâm ô bao gồm cả bé trai và bé gái. Người đã thành niên thực hiện các hành vi dâm ô đối với trẻ nam hay nữ đều bị xử lý hình sự về tội danh này.

Về mặt khách quan, tội phạm có hành vi kích dục đối với trẻ em như sờ, bóp, hoặc dùng các bộ phận nhạy cảm về tình dục cọ xát vào cơ thể hoặc bộ phận sinh dục của trẻ em; Có hành vi buộc trẻ em sờ, bóp, cọ xát… vào những bộ phận kích thích tình dục hoặc bộ phận sinh dục của người phạm tội hoặc của người khác nhưng không có mục đích giao cấu với trẻ em.

Trẻ em bị dâm ô có thể đồng tình, tự nguyện hoặc bị cưỡng ép thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội. Những hành vi trên đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm, danh dự và sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ em. Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Để có căn cứ xác định đối tượng có hành vi dâm ô hay không, ngoài lời khai của học sinh bị xâm hại, cơ quan chức năng cần giám định cơ chế hình thành các tổn thương bộ phận sinh dục, các mẫu vật ADN, thu giữ các vật chứng như quần, áo, mức độ bị ảnh hưởng về tâm lý đối với những trẻ bị xâm hại…

Cầm làm rõ có hay không hành vi giao cấu, xâm hại tình dục?

Ngoài Bộ luật Hình sự 2015, Điều 6 Luật Trẻ em 2016 cũng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em. Ngoài ra, hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi còn vi phạm “Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín” theo Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư Nguyễn Tiến Hòa còn cho rằng, qua báo chí có thông tin học sinh tố cáo hiệu trưởng quan hệ tình dục bằng miệng với học sinh này. Nếu thông tin này có căn cứ, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi-dưới 16 tuổi theo Điều 145 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13-dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội 2 lần trở lên hoặc với 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3-10 năm.

Điều đáng nói là khi bị xâm hại, trẻ không biết tìm đến ai để được trợ giúp pháp lý và đối tượng xâm hại luôn có nhiều thủ đoạn để khống chế. Để ngăn chặn tình trạng này, các nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền cho học sinh về các hành vi xâm hại tình dục, đồng thời có cơ chế rõ ràng khi có chuyện thì các em có thể báo cho ai. Khi trẻ có lòng tự trọng, có đầy đủ kiến thức pháp luật về xâm hại tình dục sẽ dũng cảm nói lên sự thật - luật sư Nguyễn Tiến Hòa phân tích.