Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinashin bị đề nghị đến 20 năm tù

ANTD.VN - Sau 2 ngày mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Vệt Nam) - Vinashin, chiều 11-6, đại diện VKSND TP Hà Nội đã đưa ra quan điểm xử lý các bị cáo.

Trong đó, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin Nguyễn Ngọc Sự bị VKS đề nghị xử phạt mức án từ 18 năm tù đến 20 năm tù. Tiếp đến, Trần Đức Chính (cựu Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính Vinashin) cũng bị đề nghị từ 18 năm tù đến 20 năm tù; Trương Văn Tuyến (cựu Tổng giám đốc Vinashin) bị đề nghị từ 7 năm tù đến 8 năm tù và Phạm Thanh Sơn (cựu Phó Tổng giám đốc Vinashin) bị đề nghị áp dụng từ 8 năm tù đến 9 năm tù về cùng tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo phải cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền hơn 105 tỷ đồng để trả cho Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank). Số tiền này sẽ được khấu trừ vào nghĩa vụ dân sự của Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch OceanBank).

Bị cáo Nguyễn Ngọc Sự (thứ 2, từ trái sang) và đồng phạm tại phiên tòa.

Các bị cáo phải hoàn trả số tiền đã chiếm hưởng cá nhân, trong đó bị cáo Nguyễn Ngọc Sự chiếm hưởng hơn 8 tỷ đồng, đã nộp lại toàn bộ. Bị cáo Trương Văn Tuyến chiếm hưởng 3,5 tỷ đồng, đã nộp lại toàn bộ. Bị cáo Phạm Thanh Sơn chiếm hưởng cá nhân 1,2 tỷ đồng. Bị cáo Trần Đức Chính chiếm hưởng cá nhân 10 tỷ đồng. Tổng số tiền chiếm hưởng cá nhân là gần 23 tỷ đồng.

Số tiền chiếm đoạt còn lại (trong tổng số hơn 105 tỷ đồng), đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa án tuyên buộc các bị cáo cùng nhau chia đều hoặc căn cứ theo tính chất mức độ hành vi để chia theo kỷ phần.

Viện Kiểm sát nhận định, đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo thực hiện hành vi có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các cá nhân là lãnh đạo của Vinashin gây ra thiệt hại lớn, tác động xấu đến hoạt động doanh nghiệp, chính sách tài chính kinh tế của Nhà nước.

Hành vi của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm các quy định quản lý kinh tế của Nhà nước, xâm hại tài sản Nhà nước... Các bị cáo là người có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản đáng lẽ phải thực hiện đúng quy định pháp luật, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Nhưng các bị cáo vì tư lợi cá nhân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế và dư luận xã hội.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, các bị cáo đều nhận thức nguồn tiền chi lãi ngoài không phải là tiền của các cá nhân cán bộ, nhân viên OceanBank đưa cho các bị cáo. Nếu các bị cáo không phải là người có quyền quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn thì các bị cáo đã không được đưa tiền.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, năm 2010, Vinashin được nhận 2.200 tỷ đồng từ Tập đoàn Dầu khí để tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin và 4.190 tỷ đồng của Chính phủ cấp tạm ứng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho Vinashin.

Với mong muốn có nguồn tiền phục vụ cho hoạt động của OceanBank, Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch OceanBank) và cán bộ lãnh đạo tại OceanBank đã ban hành chủ trương chi tiền ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng cho Vinashin để lãnh đạo Vinashin quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank.

Mặc dù không được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhưng Nguyễn Ngọc Sự, Trương Văn Tuyển, Phạm Thanh Sơn và Trần Đức Chính đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý số tiền nhận từ PVN và tiền Chính phủ cấp, bàn bạc thống nhất chủ trương quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn vào OceanBank, sau đó chiếm đoạt số tiền chi ngoài lãi suất tiền gửi theo hợp đồng.

Từ tháng 3-2011 đến tháng 8-2014, Trần Đức Chính đã nhận hơn 105 tỷ đồng lãi ngoãi do các cán bộ của OceanBank chi. Số tiền hơn 105 tỷ đồng này do Trần Đức Chính trực tiếp quản lý, không hạch toán vào nguồn thu của Vinashin, để ngoài sổ sách, dùng để các bị cáo chiếm hưởng cá nhân trái pháp luật, chi phí không đúng quy định của Nhà nước.

Ngày mai (12-6), phiên tòa tiếp tục với phần đưa ra phán quyết của TAND TP Hà Nội.