Cố ý gây thương tích quá 31%, có thể bị khởi tố dù bị hại không yêu cầu

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Em trai tôi đánh người gây thương tích và bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích”. Hiện tại gia đình tôi đang thỏa thuận với người nhà để xin họ không yêu cầu khởi tố vụ án thì em trai tôi có được tha tội không? Trần Thu Nam (Đống Đa, Hà Nội)

Cố ý gây thương tích quá 31%, có thể bị khởi tố dù bị hại không yêu cầu ảnh 1Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh (Phòng 305 - Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Luật sư trả lời: Tại Điều 134 BLHS năm 2015 quy định: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí gây nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 2 lần trở lên”

Mặt khác, tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại:

“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức”.

Cố ý gây thương tích quá 31%, có thể bị khởi tố dù bị hại không yêu cầu ảnh 2Có thể bị phạt tù nếu gây thương tích từ 31% đến 60%. Ảnh minh hoạ

Do bạn không nói rõ em bạn gây thương tích cho người khác bao nhiêu phần trăm nên sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

Trường hợp 1: Thương tích từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng có các tình tiết định khung (khoản 1 Điều 134 BLHS). Đối với trường hợp này, cơ quan điều tra chỉ có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi có yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Nếu gia đình bạn có thể thỏa thuận với gia đình người bị hại để rút đơn yêu cầu khởi tố thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ. Khi đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Trường hợp 2: Thương tích từ 31% trở lên (khoản 2, 3, 4, 5 Điều 134 BLHS). Hành vi của em bạn không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS, nên không đặt ra trường hợp người bị hại có đơn đề nghị khởi tố hoặc rút đơn đề nghị khởi tố. Cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết vụ án theo quy định pháp luật, cụ thể trong trường hợp này là cơ quan có thẩm quyền có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với em bạn.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.