Chặn nguồn tội phạm "tín dụng đen"

ANTD.VN - Khi “tín dụng đen” như những chiếc vòi bạch tuộc len lỏi vào từng ngõ ngách phố phường Hà Nội, thì kéo theo đó là tình trạng phạm pháp hình sự liên quan đến hoạt động này gia tăng, thậm chí có người ví nó như gốc rễ của nhiều loại tội phạm nghiêm trọng...

Kế hoạch 231 của Công an thành phố (CATP) Hà Nội ra đời sớm nhất trong công an các đơn vị địa phương, với tiêu chí tập trung đấu tranh với tội phạm "tín dụng đen".

Đánh giá đúng tình hình

Ngày 25-8-2016, qua công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, xác định tính chất phức tạp của tội phạm liên quan “tín dụng đen”, Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 231, tổ chức điều tra cơ bản công tác quản lý về an ninh trật tự và phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự thông tin, xác định hoạt động “tín dụng đen” là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề phức tạp về tội phạm hình sự, ma túy và tệ nạn xã hội. Do đó để nâng cao hiệu quả công tác của Công an các cấp trong công tác quản lý Nhà nước về ANTT đối với các cơ sở kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, tạo thế chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật (VPPL) liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ tham mưu xây dựng, ban hành Kế hoạch 231, đánh dấu lần đầu tiên trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm hình sự nói chung và hoạt động “tín dụng đen” nói riêng, có một kế hoạch chi tiết, cụ thể.

Ngay sau khi ban hành kế hoạch, CATP cũng đã ban hành Hướng dẫn số 23 nêu chi tiết, đầy đủ các bước tiến hành thực hiện Kế hoạch số 231 từ công tác điều tra cơ bản các cơ sở kinh doanh tài chính, đến công tác đánh giá, tham mưu, đề xuất giải pháp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh tài chính trên địa bàn.

Sau khi CATP triển khai kế hoạch, công an các quận, huyện, thị xã và đầu mối là Phòng Cảnh sát hình sự đã xây dựng Kế hoạch 231 trên từng địa bàn, xác định đối tượng trọng điểm là các cơ sở kinh doanh tài chính, cửa hàng cầm đồ, những đối tượng có dấu hiệu cho vay nặng lãi.

Ổ nhóm đối tượng liên quan "tín dụng đen" do Đỗ Văn Quang cầm đầu

Quả đấm thép khắc tinh “tín dụng đen”

Trong 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 231, các đơn vị nghiệp vụ CATP đã phát hiện hơn 1.000 vụ việc có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó có 244 vụ phạm pháp hình sự với 589 đối tượng có liên quan và 760 vụ việc đổ chất bẩn, chất thải xác định có mâu thuẫn bắt nguồn từ hoạt động vay, cho vay tài chính, cầm đồ.

Trong 244 vụ phạm pháp hình sự đã xử lý hình sự 166 vụ với 474 bị can, chiếm 68% tổng số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", đặc biệt trong số này chủ yếu là các tội cố ý gây thương tích và cướp tài sản. Quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch 231, các đơn vị đã phát hiện, triệt phá được 44 ổ nhóm tội phạm có tổ chức, 114 đối tượng hoạt động “tín dụng đen”; xác lập nhiều chuyên án trinh sát đấu tranh triệt phá như ổ nhóm Hải “bay”, Phùng Văn Lợi, Hải “bát giới”, Quang “rambo”, Tiến “trắng”... không để các ổ nhóm, đối tượng hoạt động công khai, gây nhức nhối trong xã hội.

Một số đơn vị thực hiện công tác điều tra, bắt giữ tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đạt hiệu quả như: Công an huyện Gia Lâm khởi tố 30 vụ, bắt 48 bị can; Công an quận Nam Từ Liêm khởi tố 15 vụ với 37 bị can; CAQ Hai Bà Trưng khởi tố 24 vụ, 27 bị can; CAH Đông Anh khởi tố 10 vụ, 24 bị can; Phòng Cảnh sát hình sự  khởi tố 9 vụ, 54 bị can…

Chặn nguồn tội phạm "tín dụng đen" ảnh 2

CAQ Nam Từ Liêm khám xét một ổ nhóm "tín dụng đen" trên địa bàn

Lãnh đạo CATP khẳng định, việc thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành  Kế hoạch 231 của CATP là một quyết định đúng đắn, kịp thời, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo CATP, nhằm giải quyết tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn thành phố Hà Nội, được lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, UBND Thành phố ghi nhận, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân; tạo sự chỉ đạo tập trung cao độ, quyết liệt và toàn diện.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 231, đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ chiến sỹ và người dân Thủ đô, tạo bước chuyển biến đáng kể đối với công tác phòng chống tội phạm nói chung và phòng ngừa, đấu tranh với tội pham và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng.

Các đơn vị trong CATP đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung, nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch 231 và Hướng dẫn số 23, thể hiện được vai trò nòng cốt, trách nhiệm cao, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác nắm tình hình, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cửa hàng cầm đồ, kinh doanh tài chính, các đối tượng hoạt động tín dụng dưới hình thức cho vay bốc “họ”, rải “họ”, vay tín chấp, thế chấp không có cửa hàng, điểm kinh doanh cố định… trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ổ nhóm đối tượng đã bị Cơ quan CSĐT - CAQ Nam Từ Liêm khởi tố tội danh cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Trong 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 231 đến nay, các đơn vị trong CATP đã tập trung, quyết liệt đấu tranh với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Các đơn vị của CATP đã đấu tranh, triệt phá được nhiều ổ nhóm đối tượng hoạt động "tín dụng đen" và có thái độ kiên quyết trấn áp loại tội phạm này. Vì vậy, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" sau 3 năm đã giảm đáng kể. So với thời điểm trước khi triển khai Kế hoạch 231, số cơ sở và chủ sở sở, nhân viên hoạt động cầm đồ, kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm.

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Theo Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội, trước thời điểm triển khai Kế hoạch 231, số lượng cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính trên địa bàn thành phố qua điều tra cơ bản là rất lớn, không thiếu các cơ sở đứng sau là những đối tượng hình sự tổ chức. Trong khi đó, nhiều trường hợp người bị hại không dám trình báo vì bị các đối tượng đe dọa, khống chế, dẫn đến khó khăn trong phát hiện, điều tra, bắt giữ đối tượng. Nhiều đối tượng “lách luật” để hoạt động “tín dụng đen” như cầm đồ - là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nhưng lại treo biển kinh doanh - tư vấn tài chính, là những ngành chưa được quản lý như ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Dù còn nhiều khó khăn song qua 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 231, CATP đã rút ra một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh. Qua đó khẳng định, công tác điều tra cơ bản phải được đặt lên hàng đầu, bởi đây là biện pháp bắt buộc để xây dựng một “bức tranh toàn cảnh” về hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn thành phố.

Tang vật trong một vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được CATP Hà Nội thu giữ

Việc quản lý phải coi là nhiệm vụ quan trọng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT như công tác quản lý nhân - hộ khẩu, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, kinh doanh tài chính, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ... đặc biệt là số đối tượng có biểu hiện tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng từ các tỉnh biên giới về Hà Nội.

“Chỉ huy Công an các cấp cơ sở phải thật sự quan tâm, tâm huyết, sát sao đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng, bất kể khâu nào cũng phải có “dấu ấn” của người lãnh đạo. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che đối với số cán bộ có hành vi bảo kê, móc ngoặc với các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, hoặc để hoạt động này kinh doanh bừa bãi, có biểu hiện làm ngơ cho tội phạm hoạt động” - Đại tá Nguyễn Bình khẳng định.

Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự cũng nhìn nhận, với những ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” lớn, phức tạp, các đơn vị cần xác lập chuyên án truy xét và tập trung lực lượng, phương tiện nhanh chóng điều tra làm rõ. Đặc biệt, khi tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", cần phân loại tố giác đối với các vụ án hình sự, đảm bảo thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa các cơ quan khối nội chính và các Cục nghiệp vụ, Công an các tỉnh bạn, thì công tác đấu tranh phòng chống tội phạm “tín dụng đen”  đạt hiệu quả hơn.