“Chăn dắt” người già trẻ em ăn xin, bán hàng rong... phạm tội gì?

ANTĐ - 23h ngày 30-6, Công an phường Tân Biên (TP Biên Hòa) phối hợp với đại diện UBND phường Tân Biên chia làm hai tổ công tác ập vào kiểm tra hành chính khu nhà trọ 194D/2, khu phố 8A và căn nhà cấp bốn không số ở khu phố 2, phường Tân Biên.

Tại căn phòng chừng 4m2 ẩm thấp, đồ đạc vứt ngổn ngang do Nguyễn Công Thành (44 tuổi, quê thôn 7, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) thuê, công an phát hiện một bé trai khoảng 10 tuổi và 3 người già là ông Lê Văn T (64 tuổi, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) bị gù lưng, ông Lê Duy Q (xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) và ông Phạm Bá N (quê xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, Thanh Hóa). Đến lúc này Thành mới khai nhận đã ở Biên Hòa 8 năm. Mấy tháng trước, 4 người ăn xin vào ở chung với Thành. Hàng ngày, Thành lo cơm nước cho họ, đến 23h đêm thì đi đón họ về phòng trọ. Số tiền mỗi người xin được trong ngày (trung bình từ 250.000 đến 300.000 đồng) nộp cho Thành và Thành “trả lương” cho mỗi người 3 triệu đồng/tháng. Những nạn nhân cũng khai nhận là Thành thuê họ đi ăn xin.

Tiếp tục kiểm tra một phòng trọ khác của khu nhà trọ trên do Nguyễn Thị Ngọc (43 tuổi, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) thuê, cơ quan chức năng phát hiện một ông già ăn xin tên Cao Đình S (68 tuổi, quê xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương) hành nghề ăn xin thuê cho bà Ngọc với “mức lương” 2,5 triệu đồng/tháng. Ở nhánh thứ hai, tổ công tác kiểm tra căn nhà không số ở khu phố 2, phường Tân Biên do vợ chồng ông Chung thuê.

Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện hai người già ăn xin, đó là bà Đào Thị T (68 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa) và ông Lê Văn T (quê huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa).  Ông T khai với cơ quan chức năng hơn ba tháng trước, ông Chung về quê thuê ông vào bán tăm bông với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi vào đến nơi ông bị Chung bắt đi ăn xin và hơn ba tháng nay Chung chưa trả đồng nào nên không có tiền về quê. Tương tự, bà T cũng cho biết khi bà vào thăm con ở Bình Phước thì tình cờ gặp vợ ông Chung và người này rủ bà về nhà trọ để bán tăm bông. Tuy nhiên, vợ chồng Chung lại bắt bà đi ăn xin, không cho về quê. Cũng như trong các đường dây “chăn dắt” ăn xin khác, Chung khai nhận hàng ngày đưa đón hai ông bà đi ăn xin và lấy hết tiền mà họ xin được. Vợ chồng ông Chung “trả lương” cho bà T 2,5 triệu đồng/tháng; ông T 3 triệu đồng/tháng. Thế nhưng từ khi hai người này đi ăn xin, ông Chung chưa trả cho họ đồng nào.

Công an phường Tân Biên đang tiếp tục làm rõ nhân thân, hành vi của những kẻ “chăn dắt” để xử lý.

Vấn đề cần trao đổi là những kẻ chăn dắt người già và trẻ em đi ăn xin phạm tội gì và sẽ bị xử phạt ra sao?

Cần phải nghiêm trị những kẻ tàn nhẫn vô nhân đạo này

Hình ảnh người khuyết tật trườn dài dọc đường, cụ già ngồi trên xe lăn được một người thanh niên khỏe mạnh đẩy đi khắp chợ, em bé suốt ngày ngủ li bì trên tay người được gọi là “mẹ” đi ăn xin, bán vé số… là rất thương tâm. Họ đều là những người không có khả năng tự vệ, những đứa trẻ yếu ớt, người khuyết tật, người già bị hành xác mà hàng ngày phải kiếm tiền để đem về cho những kẻ “chăn dắt”, những kẻ khỏe mạnh nhưng lại chọn cách kiếm sống bằng việc “ký sinh” trên thân thể người khác. Hành động trên của những kẻ chăn dắt là vô nhân đạo, tàn nhẫn, bất cứ ai, xã hội nào cũng không thể chấp nhận được. Những kẻ “chăn dắt” này đã gây tổn thương đến sức khỏe thể chất và tâm thần của những người già và trẻ em. Chúng phải bị truy tố theo Điều 104 (BLHS): Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với những tình tiết tăng nặng.

Ông Văn Thanh Minh (Đường Hàng Than, TP Thanh Hóa)


Nhiều cụ buộc phải đi ăn xin

Ngay trong ngày 30-6 trong cuộc kiểm tra phát hiện những kẻ chăn dắt người già và trẻ em đi ăn xin, tất cả các cụ đã mong muốn được về nhà. Các cụ khai với công an đã nhiều lần xin những kẻ chăn dắt cho về nhưng chúng không cho về, thậm chí thường xuyên giám sát, sợ các cụ bỏ trốn. Theo lời hứa, chúng đồng ý trả lương cho các cụ nhưng cố tình giam lương, để ép các cụ phải đi ăn xin cho chúng, không dám trở về nhà vì sợ mất tiền lương. Những kẻ này đã phạm tội cố ý giam giữ người khác để bóc lột. Chúng phải bị truy tố theo Điều 123 (BLHS): Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Bà Phạm Minh Nguyệt (Q3, TP Hồ Chí Minh)


Những kẻ “chăn dắt” đã phạm tội bóc lột sức lao động trẻ em
Tôi rất đau lòng khi thấy chúng sử dụng trẻ em vào việc ăn xin kiếm lợi. Nhiều em nhỏ đã bị chúng hành hạ để có bộ dạng đáng thương, trẻ em ít tháng tuổi còn bị chúng tiêm thuốc ngủ để ngủ li bì, giả làm trẻ bệnh, nhiều trẻ em còn bị lạm dụng tình dục và nhiều trẻ đã vi phạm pháp luật. Trong vụ này còn có một trẻ em 10 tuổi, là chứng cứ cho sự vi phạm này. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị điều tra để sớm đưa những kẻ này ra truy tố theo Điều 228. Tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em: Người nào sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Ông Lê Văn Dũng (Phường 1, TP Vĩnh Long)

Bình luận của luật sư

Phải khẳng định, những người chăn dắt trẻ em, người già như ông Thành, bà Ngọc, ông Chung đã vi phạm pháp luật. Cần phải căn cứ vào những hành vi cụ thể có đủ chứng cứ để luận tội những người này. Ở đây chúng ta thấy họ đã có những hành vi sau: Bằng nhiều thủ đoạn, họ đã buộc những người già và trẻ em đi xin, mang tiền về cho họ. Để kiếm nhiều tiền, họ đã bắt ép các cụ, các em đi xin nhiều giờ, đi nhiều nơi làm sức khỏe các cụ suy kiệt. Với nhiều cụ già và trẻ em ở trong một lán nhỏ rộng 4m2 cùng chế độ ăn kham khổ, chúng đã đối xử tàn tệ với chính những người đem lại lợi nhuận cho họ. Họ đã kiếm lợi trên sức lao động của những người già và trẻ em. Hành vi thứ hai là bằng thủ đoạn giữ lại tiền lương hứa trả với các cụ già và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của trẻ em để không cho những người này về nhà. Mặt khác, sau khi xem xét nhiều vụ chăn dắt trẻ em và người già đi ăn xin, chúng tôi thấy các đối tượng phạm tội dạng này thường có những hành vi vi phạm nghiêm trọng như hành hạ, đánh đập người ăn xin khi họ xin được ít, đánh đập, tạo thương tật cho trẻ em để chúng có hình thức đáng thương, xin được nhiều tiền cho chúng. Trong vụ này, nếu có những hành vi đó, cơ quan điều tra sẽ có những hoạt động tố tụng thích hợp. Ở trong các vụ này, chúng ta chỉ xem xét những hành vi được mô tả trong nội dung vụ án đã được đưa ra.

Hành vi ép buộc người già, trẻ em đi ăn xin đã quy định các hình thức xử phạt trong Nghị định về phòng chống bạo lực trong gia đình, khoản 2 Điều 7 và khoản 2 Điều 4 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày   22-8-2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Nghị định 144/2013/NĐ-CP và nhiều văn bản pháp luật khác. Theo những quy định pháp luật này, hành vi bắt ép người già, trẻ em đi ăn xin có thể bị xử phạt hành chính đến 15 triệu đồng.

Ngoài việc ép buộc đi ăn xin, nếu những người chăn dắt như ông Thành, ông Chung, bà Ngọc có hành vi hành hạ, bắt nhịn ăn, đánh đập những người bị ép đi ăn xin, các ông bà trên có thể bị truy tố theo Điều 110 (BLHS) Tội hành hạ người khác, với nội dung: Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:  Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật; Đối với nhiều người. Với nội dung vụ án như đã được biết, cả ba người: các ông Thành, Chung và bà Ngọc đã có dấu hiệu phạm tội này. Mặc dù với những hành vi này các nghi can đã có dấu hiệu của tội kinh doanh trái phép, sử dụng trái phép lao động trẻ em... nhưng theo quy định pháp luật hiện nay, một hành vi chỉ bị truy tố một tội nên theo chúng tôi, các nghi can này bị truy tố theo tội danh Hành hạ người khác là hợp lý. Mặt khác, do tình trạng “chăn dắt” người già và trẻ em ăn xin, bán hàng rong, bán vé số... đang trở nên phổ biến, cần sớm có một điều riêng trong Bộ luật Hình sự với tội danh: Lợi dụng người già và trẻ em để trục lợi. Khi đó sẽ dễ dàng xử lý những kẻ có hành vi chăn dắt người già, trẻ em ăn xin hoặc bán hàng rong... Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)