Cảnh giác trước thông tin xấu, độc trên mạng Internet

ANTD.VN - Hơn 500 vụ việc phát tán thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội tại Việt Nam đã được Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phát hiện và xử lý trong   6 tháng đầu năm nay.

Cần phối hợp giữa các lực lượng để ngăn chặn tội phạm mạng

Ngày 26-8, Báo Điện tử Tổ quốc đã  tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội hiện nay”.

Gia tăng tội phạm công nghệ cao 

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại tăng cường hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta với nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm, xảo quyệt. Một trong những thủ đoạn chúng ráo riết thực hiện là lợi dụng Internet, mạng xã hội và các blog cá nhân để tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đặc biệt  trước những sự kiện lớn, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước,  cấp độ, mật độ và tần suất những thông tin xấu, độc ngày càng gia tăng.

Thượng tá Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, Việt Nam hiện có gần 50 triệu người sử dụng Internet. Internet đã ứng dụng vào tất cả các ngành, các lĩnh vực, bên cạnh những tác động tích cực thì diễn biến này cũng kéo theo mặt trái là gia tăng tội phạm công nghệ cao.

“Tốc độ phát triển của tội phạm công nghệ cao nói riêng và tội phạm mạng nói chung năm sau đều tăng cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiến hành xác minh và điều tra gần 500 vụ việc. Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm cũng ngày càng tin vi”, Thượng tá Lê Xuân Minh nói.

Đáng chú ý, qua công tác đấu tranh, lực lượng chức năng phát hiện tỷ lệ học sinh, sinh viên, người trẻ - nhóm đối tượng tham gia mạng Internet đông đảo nhất luôn là nhóm tham gia thực hiện hành vi vi phạm trên môi trường mạng lớn nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do nhóm đối tượng này chưa có nhận thức đầy đủ về pháp luật, chưa có đủ khả năng bảo vệ chính mình khi truy cập vào Internet nên bị lợi dụng. 

Theo ông Bùi Quang Minh, Giám đốc Điều hành của SecurityBox, lượng thông tin phát tán trên mạng Internet mỗi ngày vô cùng lớn nên rất khó để kiểm soát thông tin nào có ích, thông tin nào xấu, độc. Thống kê mới nhất cho thấy, riêng mạng xã hội Facebook có khoảng 40 triệu người dùng tại Việt Nam. Trên thế giới, mỗi ngày Facebook có khoảng 500 triệu bài viết xuất hiện, chưa kể hàng tỷ lượt trao đổi, bình luận.

Cùng với tính lan truyền nhanh, rộng của mạng Internet và người sử dụng còn thiếu kiến thức, không phân biệt được thông tin tốt - xấu nên lượng thông tin này phát tán rộng khắp. Những thông tin xấu độc, xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, bội nhọ danh dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kích động nhân dân cũng vì vậy mà phát tán khắp nơi.

“Thế giới mạng không phải là ảo”

Có một thực tế là hiện nay rất nhiều thông tin xấu, độc được phát tán bởi các doanh nghiệp nội dung số đặt máy chủ ở nước ngoài, không có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Do đó, việc xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Minh Sơn, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các quốc gia phát triển trên thế giới cũng đang phải đối mặt với tội phạm mạng. “Doanh nghiệp nội dung số hoạt động xuyên biên giới phải tuân theo luật pháp nước sở tại”, PSG.TS Phạm Minh Sơn nhấn mạnh. 

Thượng tá Lê Xuân Minh cho rằng, thế giới mạng không phải thế giới ảo, mà từ nhận thức, hành vi trên mạng Internet đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Dữ liệu cá nhân trên mạng là tài sản có giá trị. “Do đó, các cá nhân sử dụng Internet cần có ý thức về bản thân mình, có kiến thức pháp luật và trở thành người tham gia mạng thông minh, sử dụng mạng như một công cụ giúp cá nhân, là kênh thông tin hữu hiệu”, Thượng tá Lê Xuân Minh lưu ý.

Đồng quan điểm này, ông Bùi Quang Minh khuyến cáo, để sử dụng Internet an toàn, lành mạnh, người dùng nên chủ động bảo vệ tài khoản, thiết bị của mình, cách đơn giản nhất là nên đầu tư giải pháp an ninh mạng cá nhân để tránh bị truyền tải thông tin không liên quan đến mình. Đồng thời, thiết lập tài khoản trên mạng theo nhiều bước xác nhận, thiết lập chính sách riêng tư khi tham gia mạng. Ông Bùi Quang Minh cũng cho biết thêm, các mạng xã hội thường cung cấp tin tức theo lịch sử, sở thích của người dùng nên người dùng nên đọc các thông tin chính thống để không bị lợi dụng. 

“Qua công tác đấu tranh, lực lượng chức năng phát hiện tỷ lệ học sinh, sinh viên, người trẻ - nhóm đối tượng tham gia mạng Internet đông đảo nhất luôn là nhóm tham gia thực hiện hành vi vi phạm trên môi trường mạng lớn nhất”.

Thượng tá Lê Xuân Minh (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an)

“Cùng với tính lan truyền nhanh, rộng của mạng Internet và người sử dụng còn thiếu kiến thức, không phân biệt được thông tin tốt - xấu nên lượng thông tin này phát tán rộng khắp”.

Ông Bùi Quang Minh(Giám đốc Điều hành SecurityBox)

“Các quốc gia phát triển trên thế giới cũng đang phải đối mặt với tội phạm mạng. Doanh nghiệp nội dung số hoạt động xuyên biên giới phải tuân theo luật pháp nước sở tại”. 

PSG.TS Phạm Minh Sơn (Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)