Cảnh báo (4): Thấy gì từ vụ án lừa đảo qua điện thoại bị Công an Hà Nội triệt phá?

ANTD.VN - Giữa năm 2017, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, CATP Hà Nội, đã triệt phá một đường dây lừa đảo, giả danh Công an qua điện thoại. Sau chuyên án này, những điều khó khăn được dự báo từ trước đã hiện ra rõ hơn.

Băng nhóm đòi nợ kiêm… rút tiền thuê

9 giờ sáng ngày 22-6, bà Đ.T.Q.A (SN 1973, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ những kẻ tự xưng là “tổng đài viên” và “công an điều tra”. Nội dung cuộc gọi đúng như những gì Báo ANTĐ đã phản ánh về phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua hình thức gọi điện giả danh ở những kỳ trước.

Sau khi chuyển 1,2 tỉ đồng (chia thành 2 lần, một lần là 800 triệu đồng, lần kia là 400 triệu đồng) cho những kẻ lừa đảo để “giám định tài sản”, bà Q.A mới phát hiện ra mình bị lừa.

Rất may là bà Q.A đã sớm trình báo cơ quan công an về sự việc, do vậy, tới ngày 6-7-2017, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (CATP Hà Nội) phối hợp với các lực lượng khác đã bắt giữ các đối tượng có liên quan tới đường dây lừa đảo nói trên.

Đường dây lừa đảo qua điện thoại rất phức tạp, nhiều nhánh không biết nhau và không biết chủ mưu thực sự

Kẻ cầm đầu băng nhóm được xác định là Trần Anh Tôn (SN 1990, trú tại Trấn Yên, Yên Bái).

Tại cơ quan điều tra, Tôn khai nhận, khoảng tháng 3-2017, Tôn từ Yên Bái về Hà Nội thuê trọ tại làng Phú Đô, và làm nhiều công việc tự do để sinh sống, trong đó có việc “đòi nợ thuê”.

Đến tháng 6-2017, Tôn thuê phòng khách sạn tại quận Cầu Giấy để ở cùng một băng nhóm gồm tất cả 12 đối tượng. Nhóm của Tôn được các đối tượng sống ở nước ngoài kết nối, nhằm phân công nhóm này sẽ thực hiện các hành vi đăng ký tài khoản ngân hàng và rút tiền, chuyển cho chúng.

Mức thù lao nhóm của Tôn nhận được là 10% tổng số tiền rút được từ tài khoản.

Để thực hiện được mục đích, Tôn chỉ đạo các thành viên trong nhóm dùng CMND của bản thân và những người khác mở nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Tôn cũng hướng dẫn một số đối tượng khi dùng CMND của người khác thì bóc ảnh ra để dán ảnh của mình vào, nhằm đánh lừa nhân viên ngân hàng để mở tài khoản thuận lợi.

Tháng 6-2017, đối tượng Lê Đăng Long (SN 1988, trú tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) nhập nhóm của Tôn, và được chỉ đạo lập 4 tài khoản ngân hàng khác nhau. Trong đó, có một tài khoản được lập lúc 8 giờ ngày 22-6 tại một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Đến 11 giờ cùng ngày, tài khoản này của Long được nhận số tiền 800 triệu đồng (chính là khoản tiền do bà Q.A chuyển vào theo yêu cầu của những kẻ lừa đảo qua điện thoại). Long đã lập tức rút toàn bộ số tiền ra theo hướng dẫn của nhóm, rồi lên xe taxi. Đi được một đoạn, Long nhận được cuộc gọi từ một người lạ rồi bảo taxi dừng lại.

Khi đó, có một người đàn ông (khoảng 35 tuổi, chưa rõ nhân thân, lai lịch) xách một chiếc cặp màu đen leo lên xe, ngồi cùng hàng ghế sau với Long, và nhận khoản 800 triệu đồng. Người này trao lại “thù lao” 80 triệu đồng (ứng với 10%) cho Long, để Long mang về trả cho Tôn.

Sau đó, băng nhóm của Tôn và Long tiếp tục nhận được các khoản tiền hàng trăm triệu đồng khác. Các đối tượng vẫn thực hiện rút tiền, chuyển cho người đàn ông lạ mặt để nhận được hoa hồng 10%.

Khi những kẻ chủ mưu sống ở nước ngoài

Ở nhiều vụ án lừa đảo, giả danh qua điện thoại trước đây, các đối tượng chủ mưu sống ở nước ngoài thường thuê “đối tác” người Việt trong nước lập tài khoản ở khu vực giáp ranh biên giới.

Trong vụ án nói trên, nhóm rút tiền thuê sống ngay tại Hà Nội, song cũng chỉ giữ vai trò bề nổi, là những kẻ làm theo hướng dẫn của “người lạ” mà bản thân các đối tượng không nắm rõ thông tin, lai lịch.

Khi điều tra tới cùng, cơ quan chức năng phát hiện trong nhiều vụ việc, các đối tượng có thể lập tức chuyển tiền ra tài khoản nước ngoài, hoặc chuyển đổi số tiền ra ngoại tệ, hàng hóa.

“Có trường hợp, tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa cho nạn nhân là tài khoản của người làm dịch vụ đổi tiền sống ở vùng giáp ranh biên giới. Khi nhận được tiền, người này tự động chuyển đổi ngoại tệ tương đương vào tài khoản ở nước ngoài của kẻ lừa đảo”, một cán bộ điều tra cho hay.

Đừng để mất tiền oan sau vài cuộc gọi đơn giản của những kẻ lừa đảo, giả danh qua điện thoại!

Việc truy bắt các đối tượng chủ mưu sống ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, vì bản thân những tên này thường xuyên di chuyển qua nhiều nước khác nhau, và thực hiện hành vi bằng cách móc nối nhiều quan hệ, đối tác trong tình trạng ẩn danh. 

“Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo giả danh qua điện thoại. Nếu không may đã chuyển tiền, điều quan trọng nhất cần thực hiện ngay là báo cho cơ quan công an để nhanh chóng phong tỏa tài khoản nghi ngờ của những kẻ lừa đảo, bởi chỉ cần một khoảng thời gian ngắn sau khi nhận được tiền, chúng sẽ tẩu tán để chiếm đoạt. Mức độ thành công trong việc ngăn chặn, thu hồi tài sản bị mất phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố trình báo sớm hay muộn của bị hại”, Thượng tá Ngô Minh An – Phó Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, CATP Hà Nội – nhấn mạnh.

Dưới đây là video clip ghi lại phần đầu cuộc gọi lừa đảo do độc giả cung cấp: