Các bị cáo trong vụ cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến nói lời sau cùng

ANTD.VN - Trưa muộn ngày 21-5, phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến và các bị cáo liên quan, trong vụ vi phạm quy định về đất đai chuyển sang phần nghị án.

Trước khi HĐXX sơ thẩm Tòa án quân sự Quân chủng hải quân (QCHQ) rút vào nghị án, các bị cáo trong vụ án bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về quản lý đất đai”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” lần lượt được nói lời sau cùng.

Theo đó, ngồi trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Văn Hiến – Đô đốc, cựu Tư lệnh Hải quân, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho những bị cáo từng là cấp dưới của mình vì họ phạm tội không vì mục đích tư lợi cá nhân.

Cựu Tư lệnh trình bày: “Sự việc xảy ra tại QCHQ, tôi rất đau xót, nhận thấy có phần lỗi của mình khi vì điều kiện công việc nên thực thi trách nhiệm chưa đủ sát sao. Tôi xin lỗi Đảng, nhân dân và những đồng đội của tôi đang phục vụ trong quân đội, đặc biệt là những chiến sĩ hải quân trong các thời kỳ. Tôi có lỗi với gia đình, thân nhân nhất là mẹ già 91 tuổi đang ở quê”.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến.

Bị cáo Hiến mong tòa án xem xét các yếu tố khách quan, tình tiết giảm nhẹ để đưa ra bản án thấu tình đạt lý, đảm bảo tính răn đe, giáo dục đồng thời thể hiện sự nhân văn. Bị cáo Hiến cho biết, bản thân từng là Đại biểu Quốc hội, tham gia chương trình cải cách tư pháp và nhận thấy phiên tòa này diễn ra văn minh, đúng tính chất tòa án quân sự.

Đến lượt mình, bị cáo Bùi Như Thiềm - Đại tá, cựu Trưởng phòng kinh tế QCHQ xin được giảm nhẹ hình phạt để ông ta có điều kiện chữa bệnh. Bị cáo trình bày: “Tòa chưa tuyên án nhưng bản án đã tuyên trước dư luận và gia đình tôi từ hơn 2 năm. Tôi rất xấu hổ và đáng tiếc vì là 1 trong 5 sĩ quan cao cấp hải quân đến tòa. Sự có mặt của chúng tôi làm ảnh hưởng danh dự của hải quân và Bộ Quốc phòng”.

Bị cáo Thiềm nói tiếp: “Với tuổi này, tôi chẳng còn cơ hội để làm lại nữa nhưng với trách nhiệm cán bộ Đảng viên phải giáo dục thế hệ sau nên phải nói, quản lý kinh tế cần thận trọng hơn trong nhiệm vụ của mình, tránh sai sót như chúng tôi”.

Tương tự, các bị cáo Bùi Văn Nga - Đại tá, cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Du lịch biển đảo Hải Thành (Công ty Hải Thành); Đoàn Mạnh Thảo – Đại tá, cựu Trưởng phòng Tài chính QCHQ cũng lần lượt nhận lỗi và cho biết đều bị bệnh rất nặng nên mong HĐXX khoan hồng.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ.

Trong khi đó, bị cáo Trần Trọng Tuấn – Đại tá, cựu Phó giám đốc Công ty Hải Thành khẳng định, trong 37 năm phục vụ trong quân đội luôn chấp hành đúng điều lệnh, mệnh lệnh cấp trên giao. “Từ khi khởi tố vụ án đến nay, tôi luôn khai báo thành khẩn, đúng sự việc, không quanh co, giấu diếm. Kính mong xem xét các chi tiết hồ sơ và diễn biến để xét xử công tâm, đúng người đúng tội và tôi xác định mình không có tội. Mong tòa công tâm, tránh oan sai cho tôi” – bị cáo Tuấn trình bày.

Trong nhóm bị truy tố, xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Vũ Thị Hoan, Phạm Văn Diệt – cùng là nhân viên dưới quyền của Đinh Ngọc Hệ đều thừa nhận các hành vi của bản thân nhưng cho rằng họ vướng vào “vòng xoáy công việc” theo chỉ đạo của cấp trên. Cả 2 cùng xin được hưởng khoan hồng để sớm trở về chăm sóc con nhỏ.

Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út “trọc”) – nguyên Thượng tá, cựu Phó Giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng thì cho rằng các cơ quan pháp luật không nên hình sự hóa hợp đồng kinh tế trong quá trình giải quyết vụ việc.

Trước đó, tại phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát QCHQ cũng lần lượt đưa ra quan điểm đối đáp trước những trình bày của hơn 20 luật sư bào chữa cho các bị cáo, trước quan điểm của nguyên đơn dân sự cùng đại diện các tổ chức, cá nhân có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2006 – 2010, các bị cáo thuộc QCHQ và Công ty Hải Thành (thuộc QCHQ) đã chuyển đổi 3 khu đất quốc phòng ở đường Tôn Đức Thắng (TP HCM) sang đất kinh tế trong 49 năm không đúng quy định của pháp luật, sai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã lập Công ty Yên Khánh, cho cháu mình là Vũ Thị Hoan làm giám đốc. Năm 2006, Út “trọc” đề nghị QCHQ cho Công ty Yên Khánh liên doanh với Công ty Hải Thành để xây cao ốc trên khu đất quốc phòng số 7 – 9 Tôn Đức Thắng. Sau đó, bị cáo Hệ chỉ đạo nhân viên lấy “sổ đỏ” về, đem đi thế chấp tại Ngân hàng BIDV để các doanh nghiệp của Hệ vay tiền.

Quá trình ấy, ngân hàng xác định giá trị khu đất là hơn 717 tỷ đồng và trong đó, Công ty Yên Khánh được nhận bảo lãnh 40% giá trị tài sản thế chấp để mua quyền thu phí cao tốc Trung Lương; Công ty CP BOT Việt Trì nhận 10% để xây dựng cầu Việt Trì mới theo hình thức BOT; Công ty TNHH BOT và BT Quốc lộ 20 nhận bảo lãnh 8%...

Cuối giờ chiều nay, HĐXX sơ thẩm Tòa án QCHQ sẽ đưa ra các phán quyết đối với các vấn đề trong vụ án.