Bị chém "toác" đầu nhưng từ chối… giám định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 8 năm xảy ra xô xát và qua 3 phiên tòa, song vụ án cố ý gây thương tích ở huyện Thanh Oai vẫn chưa thể khép lại. Đáng nói, quá trình giải quyết vụ án, bị hại rất thiếu thiện chí với cơ quan tố tụng…  

Hỗn chiến giữa những người họ hàng

Ngày 9-7, TAND huyện Thanh Oai (Hà Nội) mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Nguyễn Đình Nhâm (SN 1963) - cán bộ quận Hai Bà Trưng (Hà Nội); Nguyễn Đình Hảo (SN 1980) và Nguyễn Đình Tuấn (SN 1977), đều trú xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội về tội “Cố ý gây thương tích”.

Liên quan, Đỗ Biên (SN 1990), cùng trú xã Cao Viên, huyện Thanh Oai cũng bị truy tố tội “Gây rối trật tự công cộng”. Bị hại trong vụ án là anh Nguyễn Đình Phi (SN 1978) và anh Nguyễn Đình Thịnh (SN 1990) cùng ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai. Các bị cáo và bị hại là những người có họ hàng. 

Các bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Tại tòa, cáo trạng truy tố cùng lời khai của các bị cáo thể hiện, ngày 25-8-2012, vợ chồng Nguyễn Đình Nhâm về nhà anh trai là Nguyễn Đình Kiên (ở xã Cao Viên, Thanh Oai) chơi. Tối cùng ngày, khi vợ chồng Nhâm chuẩn bị ra về và đứng ở cổng nhà ông Kiên (đang xây dựng) thì anh Nguyễn Đình Phi phóng xe máy tới.

Anh Phi sau đó lớn tiếng đe dọa sẽ đập phá cổng và giết cả nhà người họ hàng. Nguyên do là gia đình anh Phi vốn tranh chấp lối đi với nhà ông Kiên nhưng đã được UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm, lối đi hoàn toàn thuộc về gia đình ông Kiên.

Trước thái độ bất thường của Phi, ông Kiên và Nhâm đẩy anh này ra khỏi khu vực cổng nhà mình, dẫn đến xô xát. Cho rằng anh Phi gọi điện cho ai đó, Nguyễn Đình Tuấn (cháu ruột Nhâm) chạy vào nhà lấy kiếm và thông báo cho em trai là Nguyễn Đình Hảo biết sự việc.  

Anh em Tuấn sau đó thấy hai người chú ruột xô xát với nhóm thanh niên, trong đó có anh Phi, anh Nguyễn Đình Thịnh và Đỗ Biên. Khi Nhâm bị thương, máu chảy ướt áo, Tuấn và Hảo liền dùng hung khí đuổi chém đối thủ. Sau ẩu đả, anh Thịnh bị tổn hại 32%, anh Phi thiệt hại 13% và ông Kiên cũng thiệt hại 2% sức khỏe.

Cáo trạng truy tố nêu, ngoài Tuấn lấy kiếm để Hảo chém anh Thịnh thì Nhâm là người hô hào và còn trực tiếp dùng kém chém, rồi dùng gạch đập vào đầu anh Thịnh. Kiểm sát viên cho rằng dù không xác định được vết thương nào trên người anh Thịnh là do ai gây ra, nhưng cả ba chú cháu Nhâm cùng phải chịu trách nhiệm đối với thương tích 32% của bị hại này.   

Hủy án yêu cầu làm rõ nhiều nghi vấn

Năm 2013, TAND huyện Thanh Oai xét xử vụ án và lần lượt tuyên phạt bị cáo Nhâm 6 năm tù, Hảo 5 năm 6 tháng tù, Tuấn 5 năm tù và Biên 6 tháng tù cho hưởng án treo. Bị cáo Nhâm sau đó kháng cáo kêu oan nên tháng 10-2014, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm trước đó.

Hủy toàn bộ bản án của TAND huyện Thanh Oai, TAND TP Hà Nội xác định, việc anh Phi khai sau khi bị anh em Tuấn cầm kiếm rượt đuổi chém mà vẫn quay lại cổng nhà ông Kiên và nhìn thấy Nhâm cầm gạch đập vào đầu anh Thịnh là khó xảy ra, lời khai này khó tin được. Anh Phi cũng khai không nhìn thấy Nhâm cầm kiếm chém anh Thịnh.

Lối đi nhà ông Nguyễn Đình Kiên là nguồn cơn dẫn tới vụ án.

Đối với thương tích trên đầu anh Thịnh, cấp phúc thẩm cho rằng nếu bị hại ngã gần cổng nhà ông Kiên như lời khai và vết thương ở bản ảnh thì không thể không có máu chảy tại vị trí ngã. Hơn nữa theo lời khai của anh Thịnh, bị Nhâm đứng đối diện chém vào đầu thì thương tích của bị hại không phù hợp với chính lời khai của chính mình. Những vấn đề này mâu thuẫn nhưng chưa được đấu tranh làm rõ.

Về lời khai của một số nhân chứng cho rằng nhìn thấy Nhâm dùng kiếm chém, đập gạch vào đầu anh Thịnh hoặc gặp bị cáo ở bên ngoài cổng nhà ông Kiên sau ẩu đả, Tòa án Hà Nội nhìn nhận, cần thực nghiệm điều tra làm rõ để xác định thời điểm và vị trí đứng nhìn đó của nhân chứng thì có nhìn thấy sự việc xảy ra như khai báo hay không.

Theo tòa phúc thẩm, lời khai của các nhân chứng khác, bị hại rất mâu thuẫn, không phù hợp về thực tế xảy ra và về hiện trường vụ án. Một số tình tiết liên quan, trong đó có việc cơ quan tố tụng thông báo tỉ lệ thương tích của anh Thịnh tới Quận Hai Bà Trưng (nơi bị cáo Nhâm công tác) trước khi có kết luận giám định cũng cần phải được xem xét.

Trả hồ sơ bổ sung để tránh oan sai?

Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai này, trong khi bị cáo Hảo thừa nhận hành vi dùng kiếm chém vào lưng anh Thịnh thì bị cáo Tuấn và Nhâm không đồng tình với nội dung cáo trạng truy tố. Đặc biệt, bị cáo Nhâm vẫn một mực phủ nhận các cáo buộc của Viện kiểm sát.

Khai báo trước HĐXX, bị cáo Nhâm cho rằng ông ta mới chính là bị hại trong vụ án. Vì ngay khi đẩy anh Phi ra khỏi cổng nhà anh trai, ông ta liền bị anh Thịnh cùng nhóm thanh niên đi cùng, trong đó có Biên xông vào đánh, đập gạch vào đầu gây thương tích. Bị cáo Nhâm tiếp tục đề nghị cơ quan tố tụng điều tra, làm rõ ai là người gây ra thương tích cho bị cáo.

Với tư cách nhân chứng, vợ Nhâm trình bày, nhóm anh Thịnh xông tới đánh chồng bà này tới tấp, khiến bị cáo Nhâm choáng váng, ngất lịm tại chỗ. “Khi ấy tôi chỉ kịp kêu cướp… cướp…, rồi cùng chị dâu dìu anh Nhâm vào nhà thay quần áo đầy máu” – nhân chứng này khai.

Về những lời khai của các nhân chứng nói Nhâm dùng kiếm, gạch gây thương tích cho anh Thịnh, các bị cáo và nhiều người có mặt tại cho rằng phần lớn họ đều có họ hàng gần gũi với anh Phi, anh Thịnh. Một số nhân chứng ban đầu có lời khai chứng kiến hành vi của Nhâm thì quá trình điều tra lại đã có lời khai khác.

Luận tội các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát cho rằng căn cứ lời khai của bị hại, nhân chứng và cả lời khai của bị cáo Tuấn, Hảo đủ cơ sở xác định bị cáo Nhâm và đồng phạm thực hiện hành vi có ý gây thương tích như cáo trạng quy kết. Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị áp dụng những mức án nghiêm khắc đối với các bị cáo.

Tranh luận tại tòa, các luật sư bào chữa cho 3 bị cáo cho rằng Nhâm không có hành vi gây thương tích cho ai. Bị cáo Tuấn, Hảo thì phạm tội thuộc trường hợp “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, do hành vi trái pháp luật của anh Phi.

Về hậu quả vụ án, luật sư Huỳnh Phương Nam đánh giá, mặc dù hủy án điều tra, xét xử lại, song chưa đủ căn cứ xác định anh Thịnh bị tổn hại 32% sức khỏe. Bởi lẽ tỉ lệ này đã bị cấp tòa phúc thẩm đặt nghi vấn và yêu cầu xác định lại. Tuy nhiên, anh Thịnh đã không hợp tác với cơ quan tố tụng để giám định lại.

Theo luật sư Nam, về hồ sơ, tài liệu giám định sức khỏe ban đầu của bị hại cũng không bảo đảm nguồn gốc rõ ràng và đầy đủ. Khi CQĐT yêu cầu anh Thịnh đi chụp chiếu, xét nghiệp để giám định lại năm 2015 thì anh này bất hợp tác, tự ý bỏ về. Xét xử lại vụ án, bị hại đều không đến dự tòa.

Đặc biệt, luật sư Nam cho rằng VKSND huyện Thanh Oai đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng khi trả hồ sơ điều tra bổ sung tới 3 lần, trong khi luật quy định chỉ 2 lần. Giải thích về việc này, Kiểm sát viên cho rằng việc trả hồ sơ nhiều lần là để tránh oan sai và do bị báo Nhâm mãi sau này mới xuất trình chứng cứ.

Sau 1 ngày xét xử, cuối giờ chiều 9-7, TAND huyện Thanh Oai tuyên bố do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên HĐXX nghị án kéo dài đến chiều 14-7 tới đây.