Bênh bố, đánh người dẫn tới tử vong phạm tội Giết người

ANTD.VN - Ông Hoàng Xuân T (SN 1963) và một số người dân cùng nhau góp công sức xây bức tường bao bằng gạch nhằm mục đích không để trẻ em bị ngã xuống ao cạnh đường thôn. Khi nghe tin ông Nguyễn Văn G (SN 1970) đang phá đoạn tường bao này vì lấn sang đất nhà mình, ông T đã đi bộ ra chỗ bị phá và chửi mắng. Ông G đã chửi lại ông T và tiếp tục đạp vào tường bao. Sau đó ông T đã xông vào dùng chân, tay đánh nhau với ông G. Trong lúc cả 2 đang xảy ra xô xát thì Hoàng Xuân H (SN 1995, là con trai của ông T) bênh bố đã lao vào dùng tay đấm vào đầu và mặt ông G. Tiếp đó, H còn nhặt viên đá đập một nhát vào phía sau đầu ông G. Khi thấy ông G ngã xuống đường, đầu chảy máu thì 2 bố con ông T bỏ chạy về nhà. Ông G được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi. Bản kết luận giám định pháp y xác định, nguyên nhân chết của ông G là do chấn thương sọ não. Vấn đề đặt ra là Hoàng Xuân H có phạm tội giết người không? Hoàng Xuân T có phải là đồng phạm của H hay không?

Bênh bố, đánh người dẫn tới tử vong phạm tội Giết người ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người

Theo tôi, khi Hoàng Xuân H đập viên đá vào đầu Nguyễn Văn G thì H hoàn toàn không có ý thức chủ quan muốn tước đoạt tính mạng của ông G mà chỉ nhằm mục đích ngăn chặn không cho ông G tấn công bố mình nữa. Ngoài ra, viên đá dùng tấn công ông G là do H nhặt được ở gần đó vì đây là công trình đang xây dựng. Do đó bản thân H chỉ là do cáu giận nhất thời mới làm vậy chứ không hề có sự chuẩn bị từ trước. Thêm nữa, trong vụ việc này nạn nhân G cũng có một phần lỗi vì là người gây ra xích mích trước đó. Tôi cho rằng chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm Hoàng Xuân H về tội Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người. 

Lâm Thanh Long (Quận Tân Bình - TP.HCM)

Hoàng Xuân H phạm tội giết người

Trong vụ việc này, có thể mặc dù Hoàng Xuân H không có ý thức tước đoạt tính mạng của ông Nguyễn Văn G, nhưng luật pháp buộc H phải ý thức được việc dùng hung khí hoặc chân tay tấn công vào những vị trí hiểm yếu trên cơ thể nạn nhân thì hành vi đó có khả năng gây chết người. Và trên thực tế thì ở vụ việc này, hậu quả chết người đã xảy ra từ hành vi của H. Ngoài ra, trong trường hợp này ông Hoàng Xuân T là bố đẻ của H đã có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Vì sau khi gây án, cả 2 bố con đã chạy về nhà mà không đưa nạn nhân đi cấp cứu. Do đó theo tôi cần phải xử lý Hoàng Xuân H về tội Giết người và Hoàng Xuân T là đồng phạm.

Phạm Thị Thuỳ (Kim Bôi - Hòa Bình) 

Hoàng Xuân T không đồng phạm giết người 

Theo nội dung vụ việc, khi ông Hoàng Xuân T đang dùng chân tay đánh nhau với ông Nguyễn Văn G thì Hoàng Xuân H cũng xông vào đấm, đá. Lúc đó, mặc dù ông T không có hành vi ngăn cản H, nhưng theo tôi điều nay không có nghĩa rằng ông T đã thống nhất ý chí cùng với H để tước đoạt tính mạng của ông G. Bởi lẽ, khi xảy ra cãi vã, ông T có dùng chân tay đấm, đá ông G nhưng chỉ để đe dọa và ngăn chặn không cho ông G phá tường bao chứ không nhằm mục đích cố tình tước đoạt tính mạng của ông G. Vì vậy tôi cho rằng ông T không đồng phạm với H trong cái chết của ông G.

Vũ Thanh Toàn (Đại Từ - Thái Nguyên)

Bình luận của luật sư

Có thể nói, trong một số trường hợp tội Giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015) và tội Cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015) là 2 tội phạm có ranh giới rất mỏng manh. Cả 2 tội này đều có những dấu hiệu giống nhau như: Hậu quả chết người xảy ra, thực hiện do lỗi cố ý và đều có hành vi khách quan như đánh, đâm, chém, bắn… Mục đích của kẻ phạm tội Giết người là cố ý tước đoạt tính mạng người khác, còn ở tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người chỉ là cố ý gây ra thương tích cho người khác. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất vẫn là cần xác định ý chí chủ quan của người phạm tội.

Đây là mấu chốt của vấn đề, để chúng ta có khả năng phân biệt được 2 tội này. Để xác định được ý chí chủ quan cần dựa vào nhiều yều tố. Trước hết xuất phát từ nhận thức của can phạm về hành vi phạm tội, đồng thời thông qua hành vi phạm tội để xác định ý chí chủ quan về tội phạm. Ý chí chủ quan của người phạm tội được phản ánh ra bên ngoài bằng hành vi khách quan.

Do đó, khi xác định được rằng, trong khi hành động, hành vi cố ý gây thương tích của người phạm tội là có nhiều khả năng làm chết người và bản thân bị cáo cũng nhận thức được điều đó (pháp luật buộc người phạm tội phải nhận thức được điều đó ngay cả khi người phạm tội cố tình lừa dối nhận thức của mình) như dùng dao sắc, nhọn đâm vào nơi hiểm yếu của cơ thể hay dùng vật nặng, cứng đập vào đầu người khác… thì không coi là Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người mà phải định là tội Giết người. Trên thực tế, cần phải căn cứ vào từng tình tiết cụ thể của từng vụ án để xem xét khách quan và toàn diện để xác định ý chí chủ quan của người phạm tội.

Căn cứ theo nội dung của vụ việc, có cơ sở để khẳng định Hoàng Xuân H đã phạm vào tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Hành vi của H đã xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng của ông Nguyễn Văn G, là khách thể được pháp luật bảo vệ. Về mặt chủ quan của tội phạm, lỗi của H là lỗi cố ý gián tiếp. Trong tình huống trên, ta nhận thấy rõ hành vi phạm tội của H xuất phát từ việc thấy bố mình bị đánh, H đã dùng đá đập vào phía sau gáy ông G dẫn đến ông G bị chấn thương sọ não và sau đó tử vong. Về lý trí H có thể nhận thức được hành vi của mình rất nguy hiểm, bởi việc dùng vật cứng đập vào sau gáy hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của người khác. Nếu chỉ có ý định bênh bố thì H chỉ dừng lại ở việc dùng tay chân đấm ông G...  Tuy nhiên, do bực tức vì thấy bố mình bị đánh nên H đã dùng đá đập vào sau gáy của ông G và sau đó để mặc hậu quả xảy ra. 

Trên thực tế, khi xem xét giữa tội Giết người (hoàn thành) và tội Cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người, cần phân biệt việc bị can không có mục đích giết người nhưng trong quá trình hành động biết rằng hành vi của mình tất yếu sẽ làm nạn nhân chết mà vẫn thực hiện; bị can không có mục đích giết người nhưng sử dụng hung khí nguy hiểm hoặc kể cả sử dụng chân tay tấn công vào các vị trí hiểm yếu trên cơ thể nạn nhân hoặc trong điều kiện, hoàn cảnh gây nguy hiểm cao... làm nạn nhân chết, hoặc bị can không có mục đích giết người nhưng có ý thức để mặc hậu quả xảy ra thì cần định tội danh là Giết người. Trong vụ việc này, ta thấy rõ ràng cái chết của ông G là hậu quả trực tiếp từ hành vi của H. Vì vậy theo chúng tôi, có cơ sở khẳng định H đã phạm tội Giết người chứ không phạm tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Về trường hợp của ông Hoàng Xuân T, chúng tôi cho rằng ông T không phải đồng phạm tội Giết người với H. Bởi lẽ, đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Chế định đồng phạm quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự được hiểu là, trường hợp có 2 người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Bộ luật Hình sự quy định có 2 loại mà theo khoa học luật hình sự gọi là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức).

Đồng phạm giản đơn là trường hợp tất cả những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu và là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia.

Trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Như đã phân tích ở trên, việc H dùng viên gạch đập vào đầu ông G là hoàn toàn do ý thức chủ quan và bột phát của H. Hơn nữa sự việc xảy ra quá nhanh nên bố của H là ông T cũng không có thời gian để ngăn cản và cũng không mong muốn H thực hiện hành vi này. Do đó, theo chúng tôi ông T không phải chịu trách nhiệm về hành vi của H. Hành vi dùng tay chân đánh nhau với ông G của T không nhằm mục đích gây thương tích hay tước đoạt tính mạng của ông G và thực tế hành vi của ông T cũng chưa hề gây ra thương tích gì cho ông G. Do đó theo chúng tôi hành vi của ông T chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội Gây rối trật tự công cộng.

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng luật sư Sơn Phạm)