Bày tỏ chính kiến không bao giờ đồng nghĩa với phá hoại và gây rối

ANTD.VN - Trước hiện tượng người dân tụ tập, rồi kéo đến trụ sở một số cơ quan Nhà nước ở Bình Thuận biểu lộ thái quá, trong đó một số đối tượng đã lợi dụng sự việc để đập phá trụ sở, hủy hoài tài sản, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng luật sư  Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Bày tỏ chính kiến không bao giờ đồng nghĩa với phá hoại và gây rối ảnh 1Luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng luật sư  Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

- PV: Tại tỉnh Bình Thuận vừa xảy ra hiện tượng người dân tập trung đông người, kéo đến trụ sở UBND tỉnh và sau đó là một số đối tượng quá khích xông vào cơ quan Nhà nước đập phá tài sản, quan điểm của luật sư về sự việc này như thế nào?

- Luật sư Giang Hồng Thanh: Pháp luật Việt Nam hiện hành nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản của không chỉ cơ quan, tổ chức mà còn của tất cả cá nhân. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy thuộc vào giá trị tài sản bị hủy hoại, bị làm hư hỏng. Thực tế là đã có khá nhiều vụ án xảy ra liên quan đến việc đập phá tài sản của cơ quan, tổ chức, của cá nhân khác và cuối cùng người vi phạm phải gánh chịu chế tài xử lý nghiêm khắc.

Ngoài ra theo quy định của Bộ luật Hình sự và của Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, người nào thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: tập trung đông người ở nơi công cộng gây náo động làm mất trật tự công cộng; đuổi đánh nhau, hò hét gây náo động ở nơi công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng, đập phá các tài sản trong các quán ăn, quán giải khát có đông người... gây một trong các hậu quả như cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên… thì còn bị xử lý hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng”. 

Đối chiếu với những quy định trên thì thấy, việc một số người đập phá tài sản của một số cơ quan Nhà nước ở tỉnh Bình Thuận có thể sẽ bị xử lý hình sự về hai tội danh mà tôi đã nêu. Theo tôi, thể hiện lòng yêu nước, bày tỏ quan điểm trên tinh thần xây dựng đối với những vấn đề mà bản thân cho là chưa phù hợp là một việc làm rất đáng trân trọng, cần được khuyến khích nhận rộng. Tuy nhiên, hành vi lợi dụng lòng yêu nước nhằm mục đích phá phách, gây rối lại là vấn đề hoàn toàn khác, cần phải xử lý nghiêm minh.

Có lẽ chỉ những người dân Bình Thuận mới có thể trả lời câu hỏi này một cách chuẩn xác nhất. Chính họ mới cảm nhận được những phiền toái, những hệ lụy gây ra bởi các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, mọi sự xáo trộn cuộc sống, đảo lộn sinh hoạt đều không được hầu hết mọi người mong muốn và chờ đón, nhất là khi sự xáo trộn đó lại xuất phát từ những việc làm tiêu cực, không mang lại giá trị tốt đẹp.

- Việc làm của một số đối tượng quá khích là xông vào trụ sở cơ quan Nhà nước đập phá, hủy hoại tài sản và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan hành chính tỉnh, dưới góc độ luật pháp, luật sư có thể cho biết những hành vi đó sẽ bị xử lý ra sao? 

- Như đã nêu trên, những người vi phạm có thể sẽ bị xử lý hình sự về hai tội danh là “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178, Bộ luật Hình sự và “Gây rối trật tự công cộng” quy định Điều 318, Bộ luật Hình sự. Theo đó, tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” có mức hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm và cao nhất là 20 năm tù. Còn tội “Gây rối trật tự công cộng” có mức hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 2 năm và cao nhất là 7 năm tù.

- Từ vụ việc ở Bình Thuận, luật sư có lời khuyên gì đối với đông đảo người dân để họ không vi phạm pháp luật, đồng thời tránh xa vào những “cái bẫy” của kẻ xấu? 

- Tôi tin rằng, đã là con người thì ai cũng có tình yêu Tổ quốc, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Và nếu đứng trước nguy cơ Tổ quốc bị lâm nguy, tất cả mọi người đều có quyền lợi, nghĩa vụ phải bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng hoàn toàn có quyền bày tỏ ý kiến đối với những quan điểm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chúng ta cho rằng còn nhiều thiếu sót, ảnh hưởng xấu đến bản thân nói riêng và đến đời sống xã hội nói chung. Thế nhưng xin nhấn mạnh là việc bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa, đúng pháp luật sẽ không bao giờ đồng nghĩa với hành vi phá hoại, gây rối. 

Qua sự việc này, tôi cho rằng bên cạnh việc xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật, thì cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải khách quan nhìn nhận lại là phải chăng trong các quan điểm của mình, có một hay một vài quan điểm chưa được phù hợp hay chưa được rõ ràng khiến đa số mọi người hiểu sai ý nghĩa? Nếu vậy thì cần phải  sửa đổi quan điểm cho phù hợp và có giải thích, để người dân thấy rằng Nhà nước luôn cầu thị, lắng nghe nguyện vọng chính đáng của người dân.

- Cảm ơn luật sư!