Pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới, rất khó tuân thủ!

ANTĐ - Chiều 11-6, Quốc hội chuyển sang phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. 

Ngay từ đầu, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã hỏi khó: “Dư luận băn khoăn việc “cài đặt” lợi ích nhóm của bộ, ngành trong văn bản pháp luật, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý và đẩy khó khăn về người dân, quan điểm của Bộ trưởng? Thực tế không cho phép vừa thiết kế vừa thi công nhưng trong xây dựng pháp luật thì ngược lại, vì sao?”

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) hỏi tiếp: “Bộ Tư pháp có trách nhiệm rà lại tất cả các văn bản pháp luật, liệu Bộ có nể nang hay không?”

Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời: “Chúng tôi từng trả lời vấn đề này. Vấn đề là đứng từ phía nào để nhìn lợi ích nhóm? Theo tôi, có thể có nhiều cách nhìn khác nhau. Bộ Tư pháp được giao thẩm định văn bản, từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, quy trình rất chặt chẽ. Còn các thông tư, thông tư liên tịch do Vụ Pháp chế các bộ thẩm định. Vừa qua, phát sinh nhiều vấn đề chủ yếu là các thông tư này. Với chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi phải hậu kiểm văn bản của các bộ. Thực tế, lợi ích nhóm hay cục bộ chưa phải vấn đề gì lớn”.

Thừa nhận ý kiến ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy về việc “vừa thiết kế, vừa thi công” cũng có lý, Bộ trưởng cho biết, sắp tới, chúng tôi đề nghị Quốc hội cho phép tách giai đoạn làm chính sách trước, sau đó mới làm văn bản quy phạm pháp luật, để giải quyết vấn đề đại biểu nêu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc ngay: “Bộ trưởng nói dài quá, lại chưa đi vào đúng câu hỏi, ĐB hỏi có hay không lợi ích nhóm thì Bộ trưởng nói “có hay không là được rồi”. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy hỏi lại: “Nếu không có “cài đặt” lợi ích nhóm, vậy khi soạn thảo văn bản vì sao vẫn có tình trạng đẩy khó khăn về phía người dân?”

ĐB Trần Du Lịch cũng hỏi lại: “Trách nhiệm của vai trò của Bộ Tư pháp trong thẩm định văn bản ở đâu? Tôi muốn đề cập tới nhìn vấn đề mang tính hệ thống. Ta phải nhìn cả “rừng” chứ đâu phải nhìn từng “cây”?”

Bộ trưởng trả lời: “Đúng là có câu chuyện một số cơ quan muốn đưa vấn đề bộ máy vào luật song Chính phủ đã yêu cầu, không cho phép làm như vậy. Thành thật báo cáo Quốc hội là làm luật ở ta không có looby hay “chạy”. Có ĐBQH rất trách nhiệm, mỗi khi có việc đều gọi điện, nhắn tin cho tôi để hết sức tránh những việc như vậy. Không có cài bộ máy vào đó. Còn về xu hướng không quản được thì cấm, đẩy khó cho dân, cũng có ở một số văn bản. Tới nay, vấn đề này đang xem xét thận trọng”.

Bộ trưởng thừa nhận: “Hệ thống pháp luật của ta hiện nay phức tạp nhất thế giới, và rất khó tuân thủ, chi phí tuân thủ cũng rất lớn, với rất nhiều chủ thể có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả chủ tịch xã! Chúng tôi đã đề nghị cho đơn giản đi, giảm bớt số văn bản đi, song cũng chưa được nhiều”. Cho biết Bộ đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi tiếp để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng nói: “Chúng tôi đã cố gắng, ra sức kiểm điểm song vẫn còn có khuyết điểm, chỗ này, chỗ khác cũng có sự chồng chéo nhất định”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: "Hệ thống pháp luật của ta phức tạp nhất thế giới"

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) hỏi tiếp: “Không nơi nào thủ tục nhiêu khê như khi muốn bán tài sản thế chấp ở Việt Nam, gây tắc nghẽn rất lớn. Bộ trưởng có biết thực tế này, giải pháp của Bộ trưởng?”

Bộ trưởng Hà Hùng Cường hoàn toàn đồng tình: “Vì liên quan tới tài sản nên phụ thuộc rất nhiều vấn đề. Bản án tuyên cách đây 10 năm, giá cả lúc đó với khi thi hành án rất khác do thị trường biến động. Do đó, riêng việc tính giá tài sản để đấu giá cũng đã là câu chuyện. Thái độ của chúng ta là hết sức thận trọng, thành thử rất phức tạp. Về giải pháp, chúng tôi đã thừa ủy quyền Chính phủ trình Luật thi hành án dân sự (sửa đổi) để khắc phục những tồn tại hiện nay...”.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên): “Nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật mãi chưa khắc phục được, thậm chí còn tăng lên. Trách nhiệm của các bộ ngành như thế nào, chẳng nhẽ chỉ “rút kinh nghiệm”?” ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cũng băn khoăn: “Chậm trễ ban hành văn bản mà chỉ kiểm điểm, nhắc nhở chung, chưa rõ trách nhiệm người đứng đầu. Trách nhiệm người đứng đầu Bộ Tư pháp ở đâu?”

Bộ trưởng Hà Hùng Cường “đính chính”: “Tính đến 10-6, số văn bản còn nợ đọng chỉ còn 50, chiếm 19,9% tổng số văn bản cần ban hành từ đầu nhiệm kỳ. So với trước đây, chúng tôi đã có tiến bộ. Về chế tài, chúng tôi chưa theo dõi hết các bộ ngành song sự cương quyết của Chính phủ trong lĩnh vực này rất rõ. Phiên họp nào Chính phủ cũng dành thời gian chấn chỉnh việc ban hành văn bản. Thủ tướng “điểm danh” từng bộ còn thiếu văn bản. Nhiều bộ trưởng cũng tỏ rõ quyết tâm không để nợ đọng... Cất nhắc, đề bạt nếu để nợ văn bản là bị trừ điểm. Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất chế tài cụ thể hơn nữa để tăng cường kỷ luật, kỷ cương...”       

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh): “Cử tri bức xúc vì văn bản hướng dẫn luật lập thêm giấy phép “con”, rào chắn, thậm chí là “bẫy” với người dân, doanh nghiệp, gây ra nạn nhũng nhiễu. Nếu muốn vượt qua, dân và doanh nghiệp phải “chung chi”. Nhiều văn bản hướng dẫn bị sai, phải sửa chữa, thu hồi. Bộ trưởng khắc phục tình trạng này như thế nào?”

Câu hỏi rất khó song Bộ trưởng Hà Hùng Cường chỉ trả lời ngắn gọn: “Về nguyên tắc, văn bản của các bộ ban hành không được trái với luật, pháp lệnh, nghị định và càng không được trái Hiến pháp. Chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể việc ĐB nêu và sẽ gửi kết quả tới ĐB. Văn bản sai có những cái ra rồi, có cái mới là dự thảo lấy ý kiến thôi. Khi dư luận có ý kiến, các bộ đã tiếp thu, sửa chữa, chỉnh lý ngay. Còn nếu nói ban hành văn bản sai gây tốn kém thì phải đi sâu vào vụ việc cụ thể mới trả lời được...”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không hài lòng: “Bộ trưởng trả lời chưa kỹ. Đề nghị Bộ trưởng nói rõ thêm vấn đề này, xem các văn bản sai đã gây hậu quả xấu gì chưa? Nếu thực thi văn bản sai đó rồi thì rõ ràng đã có hậu quả mà không triển khai thì cũng “chết” vì như thế là không chịu thi hành pháp luật. Đây là việc rất nghiêm trọng, Bộ trưởng phải suy nghĩ để mai làm rõ thêm, để rõ trách nhiệm và tìm cách giải quyết...”