Pháp luật không cấm trẻ em được đứng tên “sổ đỏ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Mẹ tôi mất và để lại di chúc cho con trai tôi (12 tuổi) được hưởng mảnh đất “hương hỏa” của tổ tiên. Xin hỏi luật sư, nay tôi muốn làm thủ tục cho cháu đứng tên trong “sổ đỏ” có được không? Nguyễn Văn Hoàn (Hà Nội)
Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh (Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)
Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh (Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư trả lời: Theo quy định tại các Điều 20, 21 - Bộ luật Dân sự 2015, có 4 độ tuổi liên quan đến quyền xác lập mọi giao dịch dân sự, trong đó có giao dịch về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là “sổ đỏ”). Cụ thể là người chưa đủ 6 tuổi thì giao dịch dân sự của người này do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Tiếp đến là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của pháp luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Và sau cùng là người từ đủ 18 tuổi trở lên được thực hiện mọi giao dịch dân sự.

Đối với người dưới 18 tuổi khi đứng tên quyền sở hữu tài sản phải có người đại diện pháp luật đứng tên kèm. Ảnh minh họa

Đối với người dưới 18 tuổi khi đứng tên quyền sở hữu tài sản phải có người đại diện pháp luật đứng tên kèm. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 97 - Luật Đất đai 2013, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên cũng như các quy định khác của pháp luật, không có hạn chế về độ tuổi được đứng tên trong “sổ đỏ”.

Điều này là phù hợp với quy định về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của công dân cũng như phù hợp với quy định về thừa kế. Nói dễ hiểu hơn là bất cứ ai ở bất cứ độ tuổi nào cũng đều có quyền được nhận tặng cho, thừa kế tài sản dù đó là động sản hay bất động sản và khi đã được nhận tặng cho, thừa kế tài sản thì người nhận đương nhiên phải có quyền đăng ký sở hữu, sử dụng đối với tài sản mà pháp luật buộc phải đăng ký. Tuy nhiên đối với người dưới 18 tuổi, khi đứng tên trong “sổ đỏ” phải có người đại diện theo pháp luật đứng tên kèm. Người đại diện theo pháp luật của người dưới 18 tuổi có thể là cha, mẹ hoặc người do Tòa án chỉ định.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.