Pháp bị tấn công khủng bố dã man, đẫm máu "kiểu IS"

ANTĐ - Ngày 13-11 vừa qua, lần thứ 2 trong năm nay, nước Pháp gặp phải một vụ khủng bố kinh hoàng do các tổ chức khủng bố Hồi giáo gây ra.

7 mục tiêu bị tấn công đồng loạt, ít nhất 158 người thiệt mạng

Ngày 13-11, một vụ tấn công khủng bố hàng loạt dã man nhất trong lịch sử nước Pháp, gây nên số người chết lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay, đã xảy ra ở Paris - thủ đô nước Pháp, khiến không chỉ châu Âu mà cả thế giới chấn động.

Tờ Le Parisien của Pháp sáng 14-11 cho biết, tính tổng cộng đã có tới 7 vụ tấn công xảy ra vào đêm 13-11 tại nội thành Paris và phụ cận sân vận động Stade de France ở vùng ngoại ô. Trong đó vụ thảm sát lớn nhất ở nhà hát Bataclan đã giết chết 118 người.

Một nhà báo của Europe 1 có mặt từ đầu trong buổi biểu diễn trong nhà hát Bataclan, thuộc khu vực Quận 11 cho biết, cuộc tấn công đột nhiên xảy ra, khi nhiều phần tử vũ trang bằng súng AK đã xông vào phòng biểu diễn đông nghịt, với khoảng hơn 1.000 người.

3 tên khủng bố không thèm che mặt, có đội tuổi từ 20 đến 30 đã bắn xối xả và ném chất nổ vào đám đông. Sau đó, chúng đã bắt giữ khoảng hơn 100 người làm con tin. Tuy nhiên, lực lượng an ninh Pháp đã đột nhập, bắn chết hai tay súng và giải cứu toàn bộ con tin trong nhà hát Bataclan.

Một vụ nổ súng cũng xảy ra tại nhà hàng Pháp ở quận 10. Bọn khủng bố đã nã đạn vào đám đông thực khách khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Nước Pháp đang phải đối mặt với nỗi đau lớn nhất kể từ sau Thế chiến 2

Một loạt vụ đánh bom khác đã xảy ra ở ngoại ô Paris. Cảnh sát Pháp xác nhận đã xảy ra 2 vụ đánh bom tự sát và một số vụ nổ nghi là của lựu đạn ở gần sân vận động Stade de France, nơi đang diễn ra trận thi đấu giao hữu giữa đội tuyển quốc gia Đức và Pháp, với sự tham dự của Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Reuters cho biết, một người đã nổ súng ở trước quán cà phê La Belle Equipe ở quận 11. Ngoài ra, các tay súng khủng bố còn tấn công vào nhiều địa điểm khác, bao gồm trung tâm thương mại Les Halles hay triển lãm nghệ thuật Louvre. Thêm vài chục nạn nhân khác thiệt mạng tại các địa điểm này.

Theo một nguồn tin an ninh, tổng số người thảm tử trong loạt vụ tấn công khủng bố này đã lên tới 158 người, ngoài ra còn có hàng trăm người bị thương, trong đó có nhiều người bị rất nặng. Do đó, con số thiệt mạng có thể còn gia tăng trong vài ngày tới.

Được biết, từ hồi tháng 1-2015, nước Pháp đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ sau vụ tấn công nhằm vào tòa soạn tạp chí biếm họa Charile Hebdo và một siêu thị của người Do Thái khiến 17 người thiệt mạng. Cảnh sát Pháp sau đó cũng đã đập tan hàng chục âm mưu tấn công khủng bố. Tuy nhiên, họ đã không thể ngăn chặn được vụ khủng bố hàng loạt, có tổ chức, đã gây nên cái chết cho hàng trăm thường dân lần này.

Đường phố la liệt người chết và bị thương sau các vụ nổ súng

Có khả năng thủ phạm là tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS

Đứng trước hàng loạt vụ khủng bố có tổ chức, Tổng thống Pháp François Hollande đã quyết định rời khỏi cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ và để Ngoại trưởng Laurent Fabius và Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin ở lại thay thế.

Ông Hollande đã triệu tập cuộc họp Hội đồng quốc phòng và an ninh tại điện Elysee. Trước đó, ông đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đóng cửa toàn bộ biên giới để ngăn bọn khủng bố tẩu thoát, quân đội và lực lượng cảnh sát, an ninh đã triển khai trên khắp thành phố Paris.

Hiện chưa tổ chức khủng bố nào đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện hàng loạt vụ tấn công nước Pháp đêm 13-11. Tuy nhiên, nhà chức trách gần như đã khẳng định được rằng, đây là hành động khủng bố hàng loạt của các tổ chức khủng bố Hồi giáo tiến hành.

Một đặc điểm đáng chú ý là các nhân chứng trong nhà hát Bataclan cho biết, một trong những kẻ tấn công phòng hòa nhạc xả súng vào đám đông và hô "Allahu akbar" (Đấng tối cao vĩ đại).

Đây là lời nguyện cầu thường thấy của những kẻ khủng bố Hồi giáo, điều này cũng từng xảy ra trong vụ tấn công tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo hồi tháng 1 năm nay. Ngoài ra, việc chúng sử dụng súng AK cũng là một đặc điểm thường thấy của những tổ chức khủng bố này.

Tuy chưa có chứng cứ xác thực, nhưng rất có khả năng các vụ tấn công này là hành động của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, bởi trong mấy ngày qua, lực lượng không quân Pháp đã liên tiếp tấn công triệt phá hàng chục các trạm cung cấp dầu và các tuyến đường ống dẫn dầu của IS ở Syria.

Bản đồ các địa điểm bị khủng bố ở Paris, trong đêm 13-11

Một điểm đáng chú ý khác là các nhân chứng cũng kể lại rằng, những kẻ khủng bố vừa nổ súng vừa hô vang khẩu hiệu “Allah Akbar” và “Đây là dành cho Syria”. Một tên khác còn hét lớn "tất cả là do lỗi của Tổng thống các người".

Do đó, rất có thể đây là hành động của IS, nhằm trả thù các cuộc không kích của Pháp vào các mục tiêu tổ chức khủng bố này.

Hiện có khoảng 500 tay súng người Pháp đang tham chiến trong thành phần của IS tại Syria và Iraq, cùng với khoảng 750 người khác đang bày tỏ mong muốn được gia nhập IS. Điều nguy hại là gần một nửa trong số này được cho là đã hồi hương về nước mang theo nguy cơ khủng bố rất cao.

Ngoài ra, Pháp cũng là quốc gia có số lượng người theo đạo Hồi khá đông. Rất có thể là những phần tử khủng bố của Nhà nước Hồi giáo IS đã trà trộn vào dòng người di cư vào Pháp và dễ dàng lẫn vào đám đông người Hồi giáo ở nước này, nên cơ quan an ninh rất khó phát hiện.

Ngay sau khi biết tin về vụ khủng bố kinh hoàng ở Pháp, vào lúc 6 rưỡi sáng nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ chia sẻ nỗi đau với nhân dân nước này và kịch liệt lên án các vụ tấn công man rợ tại Paris. Ông Putin khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Pháp để đưa những kẻ khủng bố ra trước công lý.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã lên án vụ các tấn công kinh hoàng này, tuyên bố đây là tấn công khủng bố nhằm vào những giá trị chung của toàn nhân loại và cam kết rằng, Mỹ sẽ vào cuộc và "dùng đủ mọi biện pháp để đưa những tên khủng bố này ra trước công lý".