Pháo cao xạ 37mm – Bảo vật Quốc gia

ANTĐ - Chúng tôi đến thăm Bảo tàng Phòng không – Không quân trong một ngày đầu tháng 4, khi mà cả nước đang trong không khí rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại đây, rất nhiều hiện vật gắn liền với quá trình đấu tranh của dân tộc ta được lưu giữ cẩn thận, một trong số đó là khẩu pháo cao xạ 37mm mới được công bố trở thành Bảo vật Quốc gia ngày 28/3/2013. Khẩu pháo trở thành một chứng nhân lịch sử tiêu biểu của dân tộc Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, gắn liền với sự hy sinh anh dũng của anh hùng Tô Vĩnh Diện năm xưa.

Đây là khẩu pháo do Liên Xô sản xuất vào năm 1939 và viện trợ cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, được khẩu đội 3, Đại đội 827 (Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367) sử dụng bắn rơi 3 máy bay và bắn bị thương 13 chiếc khác, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của quân và dân ta năm 1954.

Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 5 năm 1953 quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ để chuẩn bị cho các chiến dịch lớn. Tô Vĩnh Diện được điều về làm Khẩu đội trưởng một đơn vị pháo cao xạ 37mm, đại đội 827, tiểu đoàn 394, trung đoàn 367.

Khẩu pháo cao xạ trở thành Bảo vật Quốc gia 

Để giữ bí mật bất ngờ cho hai loại pháo lựu 105mm và cao xạ 37mm lần đầu tiên xuất hiện trong chiến trường, các đơn vị pháo binh đều hành quân vào ban đêm liên tục trong ba ngày 13,14 và 15-1-1954, từ Tuần Giáo vào tập kết ở kilomet 63 đường 42. Sau đó từ vị trí tập kết, bộ đội phải kéo pháo bằng sức người trên đoạn đường quân sự mới mở, có chỗ phải vượt qua núi cao 1.450m để vào trận địa cách xa vị trí tập kết 15km.

Từ trưa 16-1-1954, được sự trợ giúp của bộ binh và công binh, các đơn vị bắt đầu kéo pháo, cho đến ngày 24-1 mới đưa được pháo vào trận địa. Trên đường đơn vị hành quân hơn 1.000km để tới vị trí tập kết tham gia chiến dịch. Con đường kéo pháo lên vô cùng khó khăn, hiểm trở, nhưng anh luôn gương mẫu nhận mọi công việc nặng nhọc, khó khăn về phần mình, luôn động viên cổ vũ đồng đội cố gắng kéo pháo tới đích an toàn. 

Tuy nhiên trận đánh đã không diễn ra như dự kiến. Ngày 26-1, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định đổi phương án tác chiến từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”. Các đơn vị pháo nhận được mệnh lệnh phối hợp với các đơn vị bộ binh kéo pháo trở ra. Đơn vị của Tô Vĩnh Diện nhận được lệnh kéo pháo ra điểm tập kết tại Bắng Hôm để ăn tết Giáp ngọ và chờ lệnh mới.

Ngày 1-2-1954, đơn vị của Tô Vĩnh Diện trên đường kéo pháo ra đến một con dốc cao và hẹp ở gần Bản Chuối. Đó là một con dốc vừa dài, vừa hẹp, nằm chênh vênh bên vực sâu. Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện cùng một pháo thủ số 5 phụ trách điều khiển càng pháo để chỉnh hướng cho một đơn vị bộ đội kéo dây tời giữ pháo, ngoài ra còn có 2 chiến sĩ phụ trách chèn bánh pháo. Bất ngờ quân Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên. Đơn vị kéo pháo nằm rạp xuống, đồng thời dây tời bị đứt. Lực giữ pháo yếu đi và khẩu pháo lăn qua chèn. Pháo thủ Lê Văn Chi lái càng phía ngoài bị càng pháo hất xuống vực và pháo trôi về phía vực sâu.

Trong tình thế vô cùng khó khăn đó Tô Vĩnh Diện lập tức bỏ càng pháo phía trong, chuyển sang càng pháo phía ngoài, cố gắng đẩy hướng càng pháo vào vách núi. Tuy cản được pháo lăn xuống vực, nhưng Tô Vĩnh Diện bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đè lên người trọng thương. Giây cuối cùng khi được đồng đội đưa ra để đi cấp cứu, Tô Vĩnh Diện chỉ kịp hỏi “Pháo có việc gì không” rồi anh dũng hy sinh tại rừng Pá Có, sườn phía tây Pha Sung, thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Ngày 7-5-1955, Tô Vĩnh Diện được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1956.

Khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 sau khi được Tô Vĩnh Diện “cứu” tiếp tục được đưa vào tham chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã bắn rơi 3 máy bay, bắn bị thương 13 chiếc khác. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi 7-5-1954, khẩu pháo được đưa về trưng bày tại Phòng truyền thống của Bộ Tư lệnh Phòng không, nay là Bảo tàng quân chủng Phòng không – Không quân.

Ngày 1-10-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 là Bảo vật Quốc gia (là hiện vật được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa và khoa học). Hơn 60 năm qua (1/4/1953 – 1/4/2014, 61 năm ngày truyền thống Bộ đội Pháo cao xạ) khẩu pháo vẫn như một chứng nhân lịch sử còn mãi của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm xưa, nói lên bao công lao to lớn của lực lượng Bộ đội Pháo cao xạ nói chung và tấm gương anh dũng hy sinh cứu pháo của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Vĩnh Diện nói riêng. Khẩu pháo trở thành một chứng nhân lịch sử, một bảo vật của người dân Việt Nam còn mãi với thời gian.