“Phao” an sinh xã hội

ANTĐ - Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên cho tốc độ tăng trưởng hay cho chất lượng tăng trưởng trước đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kiên trì “theo đuổi” gần hết một nhiệm kỳ mới thuyết phục được Chính phủ. Vẫn giữ ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng đưa mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lên trước đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế. An sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cần phải được đảm bảo để một bộ phận trong xã hội dễ bị tổn thương không bị rơi xuống “đáy”.

Mặc dù Chính phủ đã dành ưu tiên xây dựng những mục tiêu cụ thể để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, song theo bà Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chính phủ cần dành sự quan tâm nhiều hơn và có trọng tâm hơn. Tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm còn không ít khó khăn, thách thức, nhất là thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, gia súc đang diễn biến phức tạp, tác động mạnh tới đời sống của người dân miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, đòi hỏi phải tiếp tục điều chỉnh, củng cố mạng lưới an sinh xã hội, tập trung vào ba vấn đề cơ bản: Chính sách an sinh về việc làm; Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và chính sách bảo trợ xã hội.

Cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo của nước ta đã đạt những thành tựu được thế giới đánh giá cao, song ranh giới giữa đói nghèo, cận nghèo, tái nghèo và thoát nghèo bền vững thật là mong manh. Chỉ cần hai, ba cơn bão dồn dập hay một đợt mưa lũ bất thường là sẽ cuốn trôi, phá hủy thành quả xóa đói giảm nghèo. Thách thức lớn của nước ta trong cuộc chiến chống đói nghèo, đảm bảo an sinh xã hội chính là đặc điểm sản xuất nông nghiệp lúa nước, các ngành chăn nuôi, trồng trọt phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết và thiên tai.

Vì thế, theo Ủy ban này, các chính sách an sinh xã hội không thể cào bằng mà phải phân theo địa bàn, ưu tiên nhiều hơn cho những nơi luôn phải đương đầu với thiên tai, những vùng sâu, vùng xa. Theo phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban, dường như chúng ta đang thiếu một chiến lược cho các chính sách an sinh xã hội. Chiến lược dài hạn phải làm sao đảm bảo cho những người thu nhập thấp, người nghèo, lao động di cư, người cao tuổi, những đối tượng dễ bị tổn thương không bị tuột xuống “đáy” xã hội trước những thảm họa thiên tai, nhất là những cú “sốc” lạm phát, suy thoái. Dự kiến trong 10 năm tới, thu nhập đầu người của nước ta mới đạt khoảng 3.200 USD/năm, tức là vẫn nằm trong nhóm nước thu nhập trung bình.

Ngay từ bây giờ, nếu không phát triển mạng lưới BHXH, BHYT, bảo hiểm hưu trí vững chắc, ổn định thì chắc chắn các hộ thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo sẽ tiếp tục trong cảnh không đủ tiền để chi trả khi bị bệnh tật hoặc không đủ chi trả cho con cái đến trường hoặc mất việc làm, giảm hoặc mất thu nhập khi tới tuổi nghỉ hưu không có đủ điều kiện cho cuộc sống. Dứt khoát phải thay đổi để các chính sách BHXH, quỹ BHXH phát triển vững chắc, trở thành “phao cứu sinh” không chỉ cho những người khó khăn mà cho cả xã hội.

Nhìn lâu dài về chính sách an sinh xã hội, mặc dù nước ta đang ở trong cơ cấu dân số “vàng” tức là rất có điều kiện về nguồn nhân lực, tỷ lệ người lao động lớn hơn tỷ lệ người phụ thuộc. Tuy nhiên, mươi mười lăm năm tới khi bước qua ngưỡng cơ cấu dân số “vàng”, nước ta sẽ phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ người phụ thuộc cao. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải tính đến chính sách an sinh xã hội dài hạn, đặc biệt là BHXH, trụ cột quan trọng nhất của toàn bộ hệ thống an sinh xã hội.