Phản ứng của kiến trúc sư trước thiết kế cổng vào Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

ANTD.VN -Sau khi xem phối cảnh ban đầu của cổng vào Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), các kiến trúc sư đều tỏ ra ngỡ ngàng.  

Phản ứng của kiến trúc sư trước thiết kế cổng vào Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ảnh 1

Phối cảnh ban đầu của cổng vào Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)

Chiếc cổng chào… “vô duyên”?

Một chiếc cổng sẽ được dựng lên tại Km11 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, nằm ở phía Bắc Vườn quốc gia. Chiếc cổng này được UBND tỉnh Quảng Bình kỳ vọng kết sẽ là điểm nhấn về kiến trúc, mang lại ấn tượng cho du khách trước khi vào tham quan, đồng thời thuận lợi cho việc kiểm soát người và phương tiện ra vào khu vực vườn quốc gia.

Một số yêu cầu được đặt ra cho thiết kế cổng như: phải hài hòa giữa màu xanh của trời đất, núi rừng và lèn đá, kiến trúc không đồ sộ, áp đặt lên cảnh quan, mang đến thông điệp cho du khách là tuyệt đối trân trọng, bảo quản và giữ gìn di sản cho nhân loại. Dự kiến, tổng mức đầu tư toàn dự án vào khoảng 9,5 tỷ đồng.

Mới đây, hình ảnh đầu tiên về phối cảnh chiếc cổng vào Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng công bố đã vấp phải sự phản ứng của giới kiến trúc sư. Được biết, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cổng vào Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng do Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng lập.

Kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh – Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ: “Sau khi xem thiết kế cổng vào Vườn quốc gia, tôi thấy mặt cấy ghép rất xa lạ, nó sẽ bị đào thải ngay so với sức vượt trội của vẻ đẹp thiên nhiên mà tạo hóa đã bồi đắp hàng nghìn năm qua”.

KTS Trần Huy Ánh cũng cho rằng phối cảnh cổng kể trên là thừa thãi, làm giảm giá trị cảnh quan tự nhiên của Vườn quốc gia. Đặc biệt, chiếc cổng này không có giá trị về thị giác và cũng không tạo nên ấn tượng gì.

“Cái cổng chẳng chào ai, mà chẳng ai chào cái cổng này” – KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh. Đứng ở góc độ chuyên môn, KTS Trần Huy Ánh nhận định phối cảnh này là sản phẩm thiết kế của một kiến trúc sư “đáng trách” dẫn đến một chiếc cổng “rất vô duyên”.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ

Lo ngại ảnh hưởng đến khung cảnh thiên nhiên

Đồng quan điểm với KTS Trần Huy Ánh, nhạc sĩ - KTS Nguyễn Vĩnh Tiến đã thốt lên: “Buồn cười quá!” khi nhìn thấy phối cảnh cổng chào Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. “Có nhiều hình thức thiết kế cổng. Cổng ở đây như một quy ước về ranh giới, địa phận. Về hình thức, có lẽ nên có một sự nghiên cứu kỹ hơn, mang tính nghệ thuật hơn. Hoàn toàn có thể được thiết kế bằng cây, đá và mặt nước”. Cũng theo KTS Nguyễn Vĩnh Tiến, nếu bắt buộc phải xây cổng, anh cho rằng nên tìm một phương án tối ưu hơn, tránh phối cảnh bị lạc lõng, vô nghĩa.

“Thông thường nên tổ chức một cuộc thi rộng rãi để nhiều công ty thiết kế giỏi có thể đưa ra những sáng tạo độc đáo và khả thi của họ. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho năng lực của ban giám khảo thì có thể mời hội kiến trúc sư hoặc những kiến trúc sư tài năng trong nước và quốc tế” – KTS Nguyễn Vĩnh Tiến gợi ý.

Liên quan đến phối cảnh cổng trên, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ là di sản của riêng Việt Nam mà còn là di sản của thế giới. Vì thế đặt một chiếc cổng mang tính chất đô thị, hoàn toàn không phù hợp vào không gian của một di sản là điều vô cùng phản cảm.

KTS Phạm Thanh Tùng lo ngại, vài năm gần đây xuất hiện “hội chứng biểu tượng”, “hội chứng cổng chào”. Theo vị Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì việc xây dựng một cổng chào đồ sộ, hoành tráng là tốn kém và chẳng tạo nên ý nghĩa hay giá trị gì, vì vậy là không cần thiết. Thay vào đó, nếu như muốn truyền tải tới du khách thông điệp chào đón thì có thể khắc chữ lên một tảng đá, ví như “Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đón chào quý khách”.

Đồng tình với ý kiến này, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cũng hy vọng cảnh quan Vườn Quốc gia giữ được nét mộc mạc bởi “khát vọng trở về với thiên nhiên là khát vọng hiện đại và văn minh”, các quốc gia trên thế giới, ví như Nauy chỉ dùng một cây gỗ xinh xắn làm rào chắn “barie” mà thôi.

Nhìn chung, các kiến trúc sư đều cho rằng, muốn bảo tồn phát huy giá trị di sản cần phải dựa trên nền tảng văn hóa và hết sức cẩn trọng từ cái cổng chào. Bởi việc xây dựng chiếc cổng chào lừng lững được bê tông hóa xi măng cốt thép chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan của di sản thiên nhiên. Trong khi thực chất, điều thu hút du khách nhất là vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên và sự thân thiện của người dân, những người làm du lịch tại địa phương.