Phân tích tình huống pháp lý liên quan khi biết bạn trai có hành vi vi phạm pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Con tôi sống như vợ chồng với một thanh niên. Mới đây, anh này bị bắt vì liên quan đến cá độ bóng đá và mua bán trái phép chất ma túy. Quá trình sống cùng, con tôi có biết các việc làm phạm pháp kia và thường được anh ta cho tiền chi tiêu, mua sắm... Xin hỏi, liệu con tôi có bị xử lý gì không? Nguyễn Thị Chắt (Phú Thọ)

Luật sư Giang Hồng Thanh trả lời:

Nhận tiền do người khác phạm tội mà có sẽ bị xử lý về tội “không tố giác tội phạm” (Ảnh minh họa)

Nhận tiền do người khác phạm tội mà có sẽ bị xử lý về tội “không tố giác tội phạm” (Ảnh minh họa)

Do không nắm được con bạn bao nhiêu tuổi nên chúng tôi cứ giả sử con bạn đã trên 16 tuổi. Và với thông tin bạn cung cấp có thể khẳng định bước đầu rằng con của bạn sẽ bị xử lý hình sự. Còn để có thể đưa ra nhận định chính xác sẽ bị xử lý về tội danh nào thì phải xem xét đến nhiều tình tiết liên quan.

Chẳng hạn như nếu con bạn biết bạn trai thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như bạn nêu và có hành động giúp sức bạn trai phạm tội thì sẽ bị kết tội giống như bạn trai. Nghĩa là nếu cậu bạn trai đó phạm tội tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy… thì con bạn cũng phạm những tội này. Còn nếu con bạn có những hành động như cản trở quá trình điều tra, tiêu hủy các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bạn trai, giúp đỡ bạn trai bỏ trốn… thì sẽ bị xử lý về tội “Che giấu tội phạm”. Trong trường hợp con của bạn không có những việc làm trên, song biết bạn trai có hành vi mua bán trái phép chất ma túy nhưng không trình báo với cơ quan pháp luật về hành vi đó thì sẽ bị xử lý về tội “Không tố giác tội phạm”.

Đối với những tài sản mà con bạn mua bằng tiền có được do bạn trai phạm tội, những tài sản đó sẽ bị tịch thu. Vấn đề này được nêu tại Điều 47, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, điều luật này quy định: “Việc tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với: Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành”. Tiếp đến là: “Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu”.

Đối chiếu với quy định nêu trên thì những tài sản mà con của bạn có được thuộc những trường hợp tương ứng sẽ bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước.