Phân tích quyền lợi, trách nhiệm và hành vi mua, bán “chui” cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Điều tra vụ án liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC, mới đây, CQĐT - Bộ Công an xác định tổng số cổ phiếu FLC do nhóm của bị can Trịnh Văn Quyết bán ra khớp lệnh 74,8 triệu, với giá trung bình 22.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu này đã được bán “chui”, không công bố trước khi thực hiện giao dịch. Câu hỏi đặt ra là những tổ chức, cá nhân mua cổ phiếu “chui” này có được tiếp tục tiến hành giao dịch? Quyền lợi, trách nhiệm của cá nhân cần thực hiện trong vụ án này?

Luật sư trả lời:

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Công ty Luật TNHH Lưu Đại Nghĩa (Tổ 17, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Công ty Luật TNHH Lưu Đại Nghĩa (Tổ 17, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Bán “chui” cổ phiếu được hiểu là hiện tượng bên bán cổ phiếu không công bố thông tin, báo cáo về giao dịch mua bán theo quy định của pháp luật.

Theo Khoản 1 Điều 33 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16-11-2020, tối thiểu 3 ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch, người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan phải gửi báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán (đối với cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch, chứng chỉ quỹ đại chúng niêm yết), Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, công ty đại chúng và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán về việc thực hiện giao dịch theo mẫu quy định.

Khái niệm người nội bộ và người có liên quan của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng được quy định cụ thể tại Khoản 45, 46 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019.

Theo Khoản 5 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 và điểm b Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP, hành vi của ông Trịnh Văn Quyết bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu với giá trung bình 22.500 đồng/cổ phiếu tương đương khoảng 1.683 tỷ đồng thì bị xử phạt hành chính tối đa là 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Trịnh Văn Quyết có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 3 tháng đến 5 tháng theo quy định tại điểm b Điểm 7 Điều 33 Nghị định 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 27 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Điều 306 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán còn đưa ra các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán như sau: phong tỏa tài khoản chứng khoán, cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn, cá nhân vi phạm bị cấm chào bán, phát hành, niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn...

Như vậy người “mua chui” cổ phiếu sẽ không được phép giao dịch cổ phiếu “mua chui”.

Hành vi bán “chui” cổ phiếu của cá nhân cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” quy định tại Điều 209 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất đến 5 năm tù.

* Cách nhận biết cổ phiếu bị làm giá, cổ phiếu bị thao túng giá theo các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm như sau:

1. Phương pháp phân phối giá sàn

Đặc điểm của phiên phân phối sàn thường như sau:

Thứ nhất, xuất hiện một hoặc hai phiên trước cổ phiếu bị đạp sàn với mức thanh khoản ở mức trung bình hoặc cao hơn trung bình.

Thứ hai, phiên phân phối sàn luôn có hiện tượng lúc dư mua sàn, lúc dư bán sàn nhưng lượng dư mua dư bán sàn chỉ ở mức vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị.

Thứ ba, thanh khoản của phiên phân phối thường tăng đột biến so với các phiên trước đó, có thể sẽ gấp đôi hoặc hơn.

Cụ thể, đội lái (những người nhiều tiền/cổ phiếu muốn thao túng giá) sẽ tạo các phiên tăng trần ở vùng đỉnh để phân phối hàng (cổ phiếu). Tuy nhiên, “chiêu thức” này khá tốn kém, vì vậy họ đã áp dụng “chiêu thức” mới rất hiệu quả và đỡ tốn kém hơn là phân phối giá sàn.

Khi một cổ phiếu được “đánh lên” và đã phân phối vài phiên ở mức giá đỉnh, đội lái vẫn còn một lượng kha khá cổ phiếu giá rẻ. Khi đó, họ sẽ buông để cổ phiếu rớt sàn vài ba phiên tùy độ lớn của sóng đã tạo ra. Họ áp dụng các mức giảm 38,2%; 50% và 61,8% của chỉ báo Fibonacci để lừa nhà đầu tư (NĐT) chuộng phân tích kỹ thuật. Khi đến phiên chạm những mức trên, đội lái tiến hành phân phối giá sàn trong phiên đó.

Đầu tiên, bằng một số tài khoản, đội lái sẽ đặt bán sàn một lượng rất lớn ngay trước khi bắt đầu phiên. Lệnh dư bán sàn lớn sẽ hiển thị ngay khi phiên bắt đầu. NĐT nhỏ lẻ thấy lệnh dư bán sàn quá lớn sẽ không buồn đặt lệnh bán nữa.

Sau khi nghe ngóng động tĩnh, đội lái tiếp tục dùng tài khoản đối ứng đặt vài lệnh mua giá sàn có khối lượng khá lớn và liên tục. Sau đó họ bồi thêm vài lệnh mua hàng trăm nghìn đơn vị. Như vậy, lái sẽ mua bán chính cổ phiếu của mình để “thả thính” NĐT nhỏ lẻ. Khi thấy lượng mua giá sàn sôi động, NĐT nhỏ lẻ tranh nhau nhảy vào bắt đáy và sẽ mua hết lượng cổ phiếu mà lái đã đặt bán từ đầu.

Giá cổ phiếu sau đó sẽ tăng lên và lệnh mua đuổi của NĐT bắt đáy lại càng được đẩy vào thêm. Sau khi cân đối, thấy lượng đặt dư mua ở các mức dưới đủ lớn, đội lái lại dùng các tài khoản ảo cùng lúc bán ra lượng lớn và cổ phiếu lại bị dư bán sàn.

Đội lái lại tiếp tục bài tay phải mua tay trái để dụ “gà”. Việc này cứ lặp đi lặp lại đến hết phiên. Tuy khối lượng giao dịch rất lớn nhưng đa số là giá không tăng mạnh, thậm chí vẫn dư bán sàn. Như vậy đội lái chỉ phải mua vào một lượng cổ phiếu vừa phải để “dụ gà” nhưng đã bán ra được lượng hàng kha khá.

2. Phương pháp phân phối giá trần

Đặc điểm của phiên phân phối trần thường như sau:

Thứ nhất, có một hoặc hai phiên trước cổ phiếu được đẩy tăng giá khá mạnh nhưng thanh khoản vẫn chỉ duy trì ở mức trung bình.

Thứ hai, phiên phân phối trần luôn có hiện tượng lúc dư mua trần, lúc dư bán trần nhưng lượng dư mua dư bán trần chỉ ở mức vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị.

Thứ ba, thanh khoản của phiên phân phối thường tăng đột biến so với các phiên trước nó, có thể sẽ gấp đôi hoặc hơn.

Cách thức của phương pháp phân phối giá trần cũng giống như phương pháp phân phối giá sàn nhưng ngược lại. Phương pháp này tốn kém hơn rất nhiều và kém hiệu quả hơn do hầu như nhỏ lẻ đều đã quá “thuộc bài” nên sẽ khó dụ được “gà” nhảy vào đua trần. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kinh nghiệm vẫn bị lừa và lao vào đua trần bất chấp rủi ro tiềm ẩn.

Cụ thể, đội lái sẽ đẩy lệnh mua dần vào để khớp hết các lệnh bán và đẩy mức giá cổ phiếu tăng kịch trần. Sau đó, họ sẽ trao tay, mua trần tay phải, bán trần tay trái nhằm tạo giao dịch sôi động.

Đội lái sẽ diễn sao cho lệnh mua luôn chủ động và chiếm ưu thế trước lệnh bán để thu hút sự chú ý của nhỏ lẻ. Đồng thời họ có thể đẩy vài lệnh kê mua to bên dưới mức giá trần nhằm tạo lực cầu lớn và cảm giác yên tâm cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Cứ thế, nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu kinh nghiệm sẽ nhảy vào đua lệnh mua trần. Đội lái có thể kiểm soát được lượng mua giá trần của nhà đầu tư nhỏ lẻ và sẽ cân đối bán ra từ từ đúng bằng lượng mua của nhỏ lẻ. Tất nhiên còn rất nhiều dấu hiệu khác để nhận biết cổ phiếu bị làm giá, hy vọng nhà đầu tư sẽ tìm hiểu kỹ và sáng suốt khi đưa ra quyết định với những cổ phiếu có dấu hiệu bị làm giá như trên.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.