Phân tích hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Công ty tôi làm việc có một đối tượng thường xuyên quấy rối tình dục chị em phụ nữ trong công ty. Pháp luật quy định về hành vi này như thế nào? Nguyễn Thanh Hương (Quận Hà Đông, TP Hà Nội)
Luật sư Vũ Quang Vượng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng, tầng 7, tòa số 8 Láng Hạ, Hà Nội)

Luật sư Vũ Quang Vượng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng, tầng 7, tòa số 8

Láng Hạ, Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Bộ luật Lao động năm 2012 chỉ nhắc đến hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị quấy rối tình dục. Người lao động là giúp việc gia đình có quyền tố cáo người sử dụng lao động có hành vi quấy rối tình dục đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng Bộ luật Lao động năm 2012 chưa đưa ra định nghĩa thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Từ ngày 1-1-2021, Bộ luật Lao động năm 2019 bắt đầu có hiệu lực, định nghĩa “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động” (khoản 9, Điều 3).

Mặt khác, tại Điều 84, Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) quy định như sau:

“Điều 84. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc

1. Quấy rối tình dục quy định tại khoản 9, Điều 3 của Bộ luật Lao động có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

2. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:

a) Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

c) Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

3. Nơi làm việc quy định tại khoản 9, Điều 3 của Bộ luật Lao động là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định”.

Bên cạnh đó, theo Bộ Quy tắc ứng xử về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam ban hành, quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể là những hành vi liên quan đến thể xác (tiếp xúc, vuốt ve, sờ mó, sàm sỡ, ôm ấp…), lời nói (gợi ý về tình dục, mời đi chơi mang tính cá nhân liên tục…) hoặc cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể (nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, phô bày hình ảnh, màn hình máy tính..., liên quan tới tình dục).

Ngoài định nghĩa về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định trong nội quy lao động phải bao gồm nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi này.

Theo Điều 125, Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Ngoài ra, theo điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.