Phân tích đặc trưng cơ bản của hành vi cưỡng đoạt tài sản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Trong lúc tôi mang thai và nuôi con nhỏ, chồng tôi có nhân tình và đã mua sắm cho chị ta nhiều tài sản giá trị. Mới đây, tôi yêu cầu chị ta trả 11 triệu đồng là giá trị của chiếc điện thoại iPhone chồng tôi mua cho. Khi tôi nhận tiền của chị ta thì bị công an mời về trụ sở làm việc và sau đó tôi bị khởi tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Xin hỏi luật sư việc này có đúng không? Hoàng Thúy Loan (Hà Nội)
Cưỡng đoạt tài sản là tìm mọi cách làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm về tài sản sợ hãi phải giao tài sản cho người phạm tội (Ảnh minh họa)

Cưỡng đoạt tài sản là tìm mọi cách làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm về tài sản sợ hãi phải giao tài sản cho người phạm tội (Ảnh minh họa)

Luật sư trả lời:

Theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội “Cưỡng đoạt tài sản” là: “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”. Như vậy, cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đặc trưng cơ bản của tội “Cưỡng đoạt tài sản” là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội. Đe doạ sẽ dùng vũ lực là hành vi (lời nói hoặc hành động) làm cho người bị đe doạ sợ nếu không giao tài sản cho người phạm tội thì sẽ bị đánh đập tra khảo, bị đau đớn về thể xác. Thủ đoạn uy hiếp tinh thần là người phạm tội sử dụng để uy hiếp tinh thần của người có tài sản hoặc của người có trách nhiệm về tài sản như: Dọa sẽ tố cáo với chồng về việc vợ ngoại tình, doạ sẽ tố cáo việc phạm tội hoặc việc làm sai trái của người có tài sản hoặc người có tránh nhiệm về tài sản...

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự ; Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn (Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự ; Số 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Hà Nội)

Có thể nói, cưỡng đoạt tài sản là tìm mọi cách làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm về tài sản sợ hãi phải giao tài sản cho người phạm tội. Như vậy, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác mà người phạm tội thực hiện là nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp của chị, do chị không mô tả kỹ về hành vi của mình và còn thiếu nhiều thiếu thông tin nên chúng tôi không thể đưa ra câu trả lời chính xác. Do đó, chị cần đối chiếu, tham khảo với những phân tích, mô tả mà chúng tôi nêu ở trên để xác định hành vi của mình vi phạm pháp luật hình sự hay không. Theo chúng tôi, việc chị yêu cầu, bắt buộc nhân tình của chồng phải trả số tiền tương ứng với giá trị chiếc điện thoại Iphone và kèm theo đó là những lời lẽ, hành vi, hành động khiến người phụ nữ kia sợ hãi phải đưa tiền thì đó là hành vi cưỡng đoạt tài sản.