Phản tác dụng ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cũng như yêu sách đòi chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, bất kỳ chính sách hay quan điểm nào nhằm phục vụ cho tham vọng “độc chiếm” vùng biển này của Trung Quốc đều sớm muộn cũng bị thất bại, vô hiệu hóa hay phản tác dụng như ngoại giao “chiến lang” hung hăng và gay gắt mà quốc gia này thực thi thời gian qua.
Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra trên vùng biển chủ quyền

Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra trên vùng biển chủ quyền

Lợi bất cập hại của ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc

Quan điểm, chính sách của Trung Quốc đối với các vấn đề Biển Đông ngày càng bị cô lập do không có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trước hết là của các quốc gia trong khu vực và cường quốc hàng đầu thế giới có lợi ích gắn bó với vùng biển này. Một trong những chính sách liên quan mới nổi lên của Trung Quốc chịu chung cảnh ngộ là cách tiếp cận ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc đối với các vấn đề Biển Đông vì sự hung hăng, khiêu khích thái quá.

Thuật ngữ ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc là cách gọi dư luận quốc tế khi xuất hiện một thế hệ ngoại giao trẻ của Trung Quốc nổi lên nhờ thái độ không kiêng dè, hoặc thậm chí hung hăng thái quá, mang tính khiêu khích… trong các phát ngôn nhằm bảo vệ hình ảnh, lợi ích của cường quốc này. Cách gọi này được sử dụng sau khi hai bộ phim “Chiến lang” về việc các binh sĩ quân đội Trung Quốc thực hiện hàng loạt chiến dịch táo bạo trên toàn cầu ra mắt vào tháng 4-2015 và tháng 7-2017 nhằm quảng bá chủ nghĩa dân tộc ở nước này.

Tinh thần toát lên từ các bộ phim trên là khích động cái gọi là “tinh thần chiến đấu” để thổi bùng lên một lối diễn giải mang tính dân tộc chủ nghĩa rằng “đã đến lúc Trung Quốc đứng dậy đương đầu với sự thù địch từ phương Tây”. Với sự ủng hộ của hàng ngũ lãnh đạo cấp cao ngay sau đó, việc hóa thân thành “chiến lang” trở nên thời thượng và dễ mang lại lợi ích nghề nghiệp, cơ hội tiến thân cho các nhà ngoại giao, nhất là các nhà ngoại giao trẻ Trung Quốc.

Thời gian qua, đội quân ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc công khai chỉ trích, đấu khẩu gay gắt với các quốc gia trên mọi mặt trận, từ mạng xã hội, báo chí, truyền hình cho tới bàn đàm phán. Sự xuất hiện của đội quân này đánh dấu bước ngoặt lớn cho đội ngũ ngoại giao vốn thường nổi tiếng là thận trọng và kín kẽ của Trung Quốc trước đây.

Một trong những cá nhân nổi bật nhất trong đội quân ngoại giao “chiến lang” thời gian qua ở Trung Quốc là Triệu Lập Kiên, một người phát ngôn trẻ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hồi trung tuần tháng 3-2020, khi mà đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) hoành hành dữ dội tại Trung Quốc bắt đầu lây lan mạnh ra toàn thế giới, Triệu Lập Kiên đã tham gia vào việc thúc đẩy thuyết âm mưu trên Twitter (mạng xã hội bị cấm tại Trung Quốc cùng với các mạng xã hội khác như Facebook, Instagram…) rằng “quân đội Mỹ có thể đã đưa SARS-CoV-2 đến Vũ Hán (?!) khi viết bằng tiếng Anh trên tài khoản Twitter của mình: “Hãy minh bạch! Hãy công khai dữ liệu của các ông đi! Mỹ nợ chúng tôi một lời giải thích”.

Mỹ đã lập tức triệu Đại sứ Trung Quốc tại Washington đến để phàn nàn về các dòng tweet của ông Triệu Lập Kiên. Tương tự, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã cũng bị Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập để giải thích về bình luận trên trang web sứ quán Trung Quốc là “Pháp đã bỏ mặc người già chết vì Covid-19 tại các viện dưỡng lão”.

Tuy nhiên, cách tiếp cận ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc liên quan tới các vấn đề nóng, gây tranh cãi đã phản tác dụng vì sự hung hăng, khích động thái quá. Đặc biệt là những điều mà dư luận cho là sự gai góc, trịch thượng, bất chấp lý lẽ của Trung Quốc trong các cuộc “khẩu chiến” tạo nên một bầu không khí bất an, nhiều rủi ro trong bang giao; kích động chủ nghĩa dân tộc tại các quốc gia khác vốn không thể chấp nhận bị Trung Quốc dọa nạt, gây áp lực.

Điều nguy hại nhất là ngoại giao “chiến lang” đã góp phần tạo ra tâm lý chung trong cộng đồng quốc tế là chống Trung Quốc, tránh né Trung Quốc hoặc chí ít là hạn chế làm ăn với Trung Quốc. Trên thực tế, giới đầu tư và kinh doanh quốc tế bắt đầu tháo chạy khỏi Trung Quốc, dù đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với hơn 1,4 tỷ dân, trong đó có một phần do sự phản tác dụng của cách tiếp cận ngoại giao “chiến lang”.

Thất bại thấy trước của ngoại giao “chiến lang”

Tại khu vực, điều tương tự có thể thấy trong cách tiếp cận ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông. Điều dễ thấy nhất là quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề Biển Đông ngày càng bị cô lập do không có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Trong đó, Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 diễn ra cuối tháng 6 vừa qua đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về “cải tạo đất”, “những diễn biến gần đây” và “các sự cố nghiêm trọng” trong khu vực.

Cách tiếp cận ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc liên quan đến các quốc gia láng giềng đã phản tác dụng vì sự hung hăng quá mức không chỉ trong những tuyên bố mà cả hành động trên thực tế. Bất kỳ lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương nào hay các biện pháp trừng phạt theo cái gọi là Bộ luật Biển xanh của Trung Quốc ở Biển Đông đều không thể chấp nhận.

Các quốc gia ven Biển Đông ngày càng nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải thể hiện thái độ, quan điểm của mình đối với các hành vi, yêu sách phi lý của Trung Quốc thay vì cố giữ im lặng để cứu vớt một sự an ninh và ổn định mong manh. Từ đầu năm tới nay, hầu hết các quốc gia ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông đều đã lên tiếng bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông, đệ trình công hàm phản đối lên Liên hợp quốc.

Có thể nói Bản đệ trình thềm lục địa mở rộng mới của Malaysia vào tháng 12-2019 lên Liên hợp quốc đã tạo ra một bước ngoặt trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông. Từ đó đến tháng 8 này, các quốc gia ASEAN đã gửi 10 công hàm lên Liên hợp quốc, thông qua Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong đó Malaysia 2 công hàm; Philippines 2 công hàm, Việt Nam 3 công hàm, Indonesia 2 công hàm…

Mỹ đã chính thức tham gia cuộc chiến pháp lý bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông khi Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo khẳng định lập trường mạnh mẽ của nước này bằng tuyên bố đưa ra ngày 13-7-2020. Tuyên bố thể hiện lập trường chính thức, công khai này của Mỹ đã dẫn đến một loạt tuyên bố sau đó của các đồng minh, đối tác của Mỹ với nội dung đều coi các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là “không có căn cứ pháp lý”, điều phù hợp với phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra ngày 12-7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Cách tiếp cận ngoại giao “chiến lang” thể hiện sự hung hăng, quá khích trong sự trỗi dậy quá nhanh của Trung Quốc đã phản tác dụng, bắt đầu ngấm đòn thất bại cả trên thế giới cũng như ở khu vực, trong vấn đề Biển Đông.