Phần chìm của tảng băng

ANTĐ - Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2012 của ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã đặt câu hỏi nghiêm khắc: “Tại sao có tới 90% dự án giao thông về đích không đúng tiến độ? Thời gian thi công kéo dài khiến dự án đội giá lên nhiều lần sau đó lại xin nâng tổng mức đầu tư ?”. Nhiều chuyên gia cho rằng, phải chăng với mức bỏ thầu thấp, bản thân nhà thầu “càng làm càng lỗ” nên buộc phải có những chiêu thức “luồn lách” riêng?

Tuần qua Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã phải tổ chức một cuộc họp về tiến độ thi công ì ạch đến mức khó hiểu của 3 dự án đường cao tốc lớn đều do các nhà thầu nổi tiếng của Hàn Quốc thi công. Đó là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tình hình căng thẳng đến độ ông Bộ trưởng phải “giao khoán” mỗi Thứ trưởng “kèm cặp” một công trình chậm tiến độ. Mấy năm qua rất nhiều dự án giao thông đã lọt vào “tầm ngắm” vì bỏ thầu thiếu minh bạch. Bộ GTVT đã buộc phải xử phạt 8 nhà thầu, công bố danh sách đen 34 doanh nghiệp vi phạm đấu thầu.

Một chuyên viên trong ngành thừa nhận, hầu hết các nhà thầu đua nhau bỏ giá thầu thấp để dễ trúng. Nhiều doanh nghiệp cố tình bỏ giá thấp, sau đó tìm cách hạ chất lượng công trình hoặc “vẽ” ra nhiều khoản chi phí phát sinh. Tuy chưa kết luận gốc rễ vấn đề, song kết luận của Thanh tra Chính phủ tỏ ra nghi ngờ sự không bình thường của các dự án chỉ định thầu có giá trị hàng nghìn tỷ đồng rơi vào tay một số đại gia. Lấy lý do dự án cấp bách để “lách” Luật Đấu thầu, nhiều dự án đầu tư công có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đã được chỉ định thầu. Sau khi mọi sự êm xuôi, các dự án thi công nhỏ giọt gây lãng phí lớn và bức xúc cho người dân. Những dấu hiệu bất thường, càng khiến dư luận nghi ngờ có đường dây chạy vốn đầu tư, chính là các doanh nghiệp, công ty. Địa phương chỉ làm việc thủ tục “phù phép” khi doanh nghiệp “móc” được dự án thì bằng giá nào địa phương cũng phải “chọn mặt” doanh nghiệp chỉ định thầu. Đấu thầu được coi là “cánh cửa” đầu tiên để sàng lọc những nhà thầu yếu… toàn diện.

Thế nhưng sự mập mờ, thiếu minh bạch trong đấu thầu và chỉ định thầu lại là những “lỗ hổng” lớn để lọt lưới nhiều nhà thầu “ranh mãnh”. Một thủ đoạn khá phổ biến là nhiều doanh nghiệp thành lập chỉ giành mục đích “giật” thầu. Sau khi trúng thầu liền “bán cái” cho doanh nghiệp khác để “ăn” phần trăm khiến cho giá trị nhỏ đi. Mặc dù Luật Đấu thầu có khép tội “bán thầu”, nhưng lại tạo ra những khe hở rất lớn cho tội danh này với các hình thức thầu chính, thầu phụ, thậm chí “thầu phụ của thầu phụ”. Ngay cả các tổng công ty, công ty lớn có uy tín, sau khi thắng thầu cũng ủy quyền hoặc khoán trắng cho các công ty, doanh nghiệp thành viên, đương nhiên là “có đi có lại”. Khi kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng cao dẫn đến tỷ lệ lãi suất khi trúng thầu không cao như trước, càng đẩy các nhà thầu “bắt tay” nhau để chia chác những “miếng bánh” của dự án.

Phần chính của tảng “băng” đấu thầu thật là sâu, thật khó phát hiện. Nào chạy thầu, thông thầu, đi đêm, giật thầu, bán thầu… ngày càng tinh vi phức tạp. Không lẽ mỗi công trình, dự án lớn lại phải cử ra một ông Thứ trưởng đi theo kiểm tra, giám sát?