Phần chìm của tảng băng đa cấp có hết thời?

ANTĐ - Sau khi vụ việc Công ty cổ phần Liên kết Việt kinh doanh đa cấp lừa đảo 1.900 tỷ đồng bị phanh phui, hàng loạt các doanh nghiệp đa cấp khác cũng lọt vào “tầm ngắm” của cơ quan chức năng, nhiều công ty đã tự ngừng hoạt động. Kinh doanh đa cấp đang bước vào thời kỳ thoái trào.

Phần chìm của tảng băng đa cấp có hết thời? ảnh 1

Phát hiện nhiều hoạt động “chui”

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ra Chỉ thị yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp trên cả nước, nhiều địa phương đã bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ này. Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, quý I-2016, Chi cục quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra, giám sát hoạt động của 7 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.

Ngay trong đợt đầu kiểm tra, 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH My Fortuna và Công ty Cổ phần Thương mại Lotus Việt Nam đã bị xử phạt hành chính 143 triệu đồng. Trong đó, Công ty TNHH My Fortuna, trụ sở chính 37/M2, khu đô thị Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp tại tỉnh, thành phố trực thuộc khi chưa có xác nhận bằng văn bản của Sở Công Thương các địa phương về tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động bán hàng đa cấp.

Hành vi này bị xử phạt 40 triệu đồng. Công ty Cổ phần Thương mại Lotus Việt Nam, trụ sở chính số 2, ngõ 2, tổ 3 đường Trung Kính, Trung Hòa, Cầu Giấy; địa chỉ kinh doanh tại số 305 Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, Hà Nội, bị xử phạt 103 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm: Kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp mà không đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong danh sách các doanh nghiệp đa cấp vi phạm bị phát hiện thời gian gần đây, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam vi phạm nghiêm trọng hơn cả, bị phạt hành chính đến 420 triệu đồng đối với 9 lỗi vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp như: Hoạt động kinh doanh đa cấp nhưng không thông báo; Không giám sát việc trả thưởng, không thông báo công khai kết quả trúng thưởng, trả thưởng… hoặc thực hiện không đúng chương trình này đối với người tham gia; Kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với hàng hóa chưa đăng ký với cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, các doanh nghiệp đa cấp này đã hoạt động “chui”, không chấp hành quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

Bên cạnh đó, từ nguồn tin của quần chúng nhân dân, Sở Công Thương Hà Nội cũng thanh tra đột xuất hoạt động bán hàng đa cấp đối với Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất và thương mại MLM Việt Nam, trụ sở tại số B5 - D6, khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Công ty này đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ngoài ra, một loạt các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp khác cũng được đưa vào diện “giám sát hoạt động”. Thực tế này cho thấy, kinh doanh đa cấp đang tồn tại rất nhiều vi phạm, biến tướng, mà nếu không tổ chức kiểm tra, xử lý ráo riết thì khó mà phát hiện được.

Phần nổi của tảng băng chìm?

Thống kê mới nhất cho biết, cả nước hiện có 67 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, nhưng một số doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động nên thực tế con số này còn 59. Trong đó, thành phố Hà Nội có 47 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng đại lý của các doanh nghiệp này thì không đếm xuể. “Mạng lưới đại lý kinh doanh đa cấp như mạng nhện. Nhiều doanh nghiệp lớn có hệ thống đại lý tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước”, đại diện Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam (MLMA) thông tin. 

Thực tế cho thấy, kinh doanh đa cấp đã “bùng nổ” tại Hà Nội và các thành phố lớn từ nhiều năm trước. Nhưng sau các đợt kiểm tra liên tục của lực lượng chức năng, các doanh nghiệp lại chuyển “địa bàn” hoạt động về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mặc dù không có nhiều người có tiềm năng về tài chính so với các thành phố lớn, nhưng người dân nông thôn đa số chưa nhận thức đầy đủ về hoạt động kinh doanh đa cấp, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào những “cơ hội làm giàu” hiếm có.

Dẫn chứng từ vụ việc Liên kết Việt vừa bị phanh phui, đại diện MLMA cho biết, vì hệ thống đại lý rộng khắp, kinh doanh đa cấp được tự bảo trợ, tuyển người nên doanh nghiệp lợi dụng quy định này, dẫn tới số lượng người tham gia Liên kết Việt lên tới hơn 60.000 người. Tương tự, một số “đại gia” đa cấp khác cũng có cơ sở tại nhiều địa phương. Các cơ sở này thường đứng ra thu tiền của những người tham gia, nhưng đây là hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh đa cấp. 

“Những doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động hoặc bị rút giấy phép đều là những doanh nghiệp nhỏ, không có tiếng tăm trên thị trường. Chính những doanh nghiệp này nếu để tự tồn tại cũng khó cạnh tranh, bởi chỉ cần một “đại gia” đã hút hết các khách hàng tiềm năng rồi. Họ có đội ngũ môi giới để hút khách. Doanh nghiệp nhỏ bán hàng còn không được, huống chi cạnh tranh, mở rộng. Kiểm tra các doanh nghiệp đa cấp lớn phải làm rõ được những sai phạm nghiêm trọng này”, một nạn nhân của đa cấp (xin được giấu tên) chia sẻ.

Khó xử lý vì... không có người tố cáo

Mới đây, trao đổi với báo chí về hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, hệ thống văn bản pháp luật của nước ta liên quan đến lĩnh vực này khá đầy đủ, đồng bộ và chặt chẽ. Mặc dù vậy, việc xử lý kịp thời, triệt để hành vi kinh doanh đa cấp vi phạm lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

“Không một cơ quan quản lý Nhà nước nào có thể giám sát hoạt động của doanh nghiệp 24/24h, đặc biệt với hoạt động kinh doanh đa cấp. Người bán hàng đa cấp đi khắp nơi chào hàng, có thể bán hàng trực tiếp, giao dịch đôi khi diễn ra ở nhà riêng nên không kiểm soát được. Vì vậy, vai trò của quần chúng trong việc tố cáo vi phạm rất quan trọng”, ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh. Lý giải vụ việc Liên kết Việt chậm được xử lý, công khai, ông Trần Quốc Khánh cho biết, tháng 10-2015, Bộ Công Thương bắt đầu kiểm tra doanh nghiệp này. Nhưng trong suốt 3 tháng kiểm tra, Bộ Công Thương không nhận được bất kỳ phản ánh của người dân liên quan đến vi phạm của doanh nghiệp. 

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, khi một người muốn tham gia bán hàng đa cấp, việc đầu tiên là phải ký hợp đồng với người đại diện của mạng lưới. Hợp đồng này luôn bắt đầu bằng căn cứ vào Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về hoạt động kinh doanh đa cấp nên người dân cần tìm hiểu. Nghị định 42 đã quy định cụ thể các điều cấm, nếu thấy có vi phạm thì báo cáo ngay với Sở Công Thương địa phương. 

Đại diện MLMA cho rằng: “Việc thanh tra, kiểm tra hiện nay chỉ dừng lại ở kiểm tra hành chính, khó xử lý tận gốc vi phạm. Việc kiểm tra các lỗi vi phạm khác như bán hàng theo mô hình kim tự tháp hay đầu tư tài chính, phải thực hiện theo đơn thư tố cáo của người dân, mà đơn thư này còn rất ít”. Rất khó để đánh giá về “tương lai” của kinh doanh đa cấp ở thời điểm hiện tại. Đa cấp sẽ tiếp tục phát triển và “bành trướng” với biến tướng ngày càng khó lường, hay chỉ còn lại đa cấp lành mạnh tồn tại? Cả cơ quan quản lý và người dân đều phải tham gia tìm lời giải cho bài toán này. 

Tâm lý hám lợi làm người dân mê muội

“Hoạt động kinh doanh đa cấp đã khiến hàng vạn người mê muội, trong đó có cả người có trình độ học vấn cao, tầng lớp trí thức và có cả những người có nhận thức chưa đầy đủ. Họ thuyết phục người tham gia bằng cách tác động vào tâm lý hám lợi vì ai cũng muốn vơ lợi ích về mình nên mất tỉnh táo. Họ dụ dỗ bằng những lời ngon ý ngọt, chỉ đầu tư 45 triệu đồng, sau 1 năm thu được vài trăm triệu đồng mà không phải làm gì. Người tỉnh táo sẽ đặt câu hỏi: Sao không làm gì lại có tiền? Nhưng khá nhiều người không còn sáng suốt nữa. Những người diễn thuyết tại hội thảo, hội nghị ăn mặc bảnh bao, lịch thiệp, như muốn chứng tỏ sự thành đạt đã kích thích lòng tham từ các cá nhân. Để giảm bớt nạn nhân của hoạt động đa cấp biến tướng, cần phanh phui những công ty vi phạm, vạch mặt kẻ lừa đảo, trừng trị nghiêm theo pháp luật để tăng tính răn đe”.

(Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, Trung tâm Tư vấn Linktam)