Phân biệt thẩm quyền lập pháp của Quốc hội với lập quy của Chính phủ

ANTĐ - Sau một thời gian triển khai lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, sáng 15-3, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị bàn về vấn đề này.

Hiến pháp quy định những vấn đề mang tính căn bản, còn những quy định cụ thể cần “chia” cho các đạo luật (Trong ảnh: Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Thủ đô tại phiên họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII)

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng nếu thừa nhận Hiến pháp về phương diện chính trị là một văn bản để xác định chế độ chính trị của Quốc gia thì chỉ nên đưa vào đó những nguyên tắc thiết yếu, ổn định trong một thời gian dài về tổ chức quyền lực thuộc về nhân dân.

Theo ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này tuy đã có một bước tiến bộ lớn so với các bản Hiến pháp trước đây khi làm rõ Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp, Tòa án là cơ quan Tư pháp. Tuy nhiên, dự thảo lại chưa quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của 3 cơ quan trên. Nếu không làm rõ được vấn đề này, thì sẽ khó có thể kiểm soát được quyền lực. Bên cạnh đó, dự thảo cũng chưa quy định hợp lý về mối quan hệ giữa Chính phủ với HĐND nên thực tiễn khó thực hiện, chưa thể hiện nhiệm vụ của Chính phủ quản lý thống nhất chính quyền địa phương, nên một số quy định liên quan đến chính quyền địa phương vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung phù hợp. Do vậy, cần có sự “phân sân” giữa Hiến pháp và các đạo luật, nhường cho các đạo luật những quy định chi tiết, cụ thể.

Trong chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Bộ Tư pháp cho rằng một số quy định chưa mang tính quy phạm mà chịu ảnh hưởng bởi cách diễn đạt trong các Nghị quyết, văn kiện của Đảng về chính sách phát triển khoa học, công nghệ và môi trường. Cụ thể, tại Điều 30 quy định: “Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Theo nhiều ý kiến, quy định về quyền trưng cầu dân ý chưa thể hiện được đây là quyền công dân. Bởi, đã là quyền thì công dân có quyền yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý và được trưng cầu dân ý trong những trường hợp hiến định, luật định, không phải khi Nhà nước tổ chức mới có quyền.

Bên cạnh đó, chương III quy định về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, môi trường, tại Điều 53 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”. Một số ý kiến cho rằng nên bổ sung từ “văn minh” sau cụm từ “công bằng xã hội” vì văn minh là mục tiêu mà tất cả các nền kinh tế, các quốc gia đều hướng tới; bổ sung từ “tài nguyên” trước từ “môi trường” vì đây là hai thuật ngữ gắn liền nhau, không thể tách rời: bổ sung cụm từ “gắn chặt kinh tế với quốc phòng an ninh” vì trong giai đoạn hiện nay phát triển kinh tế và giữ vững quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ then chốt, sống còn của nước ta. 

Ông Bạch Quốc An - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế đưa ra ý kiến, cần quy định trong Hiến pháp phạm vi những vấn đề phải được quy định  bằng luật nhằm xác định rõ trách nhiệm ban hành luật của Quốc hội cũng như nhằm mục đích phân biệt thẩm quyền lập pháp của Quốc hội với thẩm quyền lập quy của Chính phủ. Mặt khác, cần có sự điều chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn giữa Quốc hội với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao.