Phân biệt sáng tối

ANTĐ - Hàng loạt nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, EU, Nhật Bản đều lao đao trước những bất ổn lớn, song Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại cho rằng, cuộc khủng hoảng có thể phục hồi sớm và tạo ra nhiều cơ hội thương mại và đầu tư cho các nước khu vực này, trong đó có Việt Nam. Mặc dù Ủy ban này dự báo, tăng trưởng kinh tế của nước ta năm 2011 chỉ phục hồi “mong manh”, sau đó kinh tế sẽ “gượng dậy” mạnh mẽ và lấy lại đà tăng trưởng ổn định trong năm 2012.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đón nhận những cơ hội mới, song Ủy ban này tỏ ra thận trọng khi đánh giá triển vọng tăng trưởng của nước ta trong năm nay. Tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng theo báo cáo mới được công bố, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chỉ vào khoảng 5,2%, trong khi tăng trưởng nhập khẩu là 2,5%. Đây là mức tăng thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước đang phát triển ở châu Á. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2011 chỉ đạt rất thấp khoảng 1,4% và sau đó sẽ phục hồi lên mức 8,9% trong năm 2012.

Cũng theo báo cáo của Ủy ban trên, hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 5 trong số 11 nước ASEAN về tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 6 về dịch vụ. Tuy nhiên, trong khu vực rộng lớn hơn (châu Á - Thái Bình Dương), vị thế và thứ bậc của Việt Nam bị đẩy lùi xuống, chỉ xếp thứ 14 về xuất khẩu với thị phần nhỏ bé khoảng 1,3% và xếp thứ 16 về xuất khẩu dịch vụ thương mại với thị phần dưới 1%. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đứng thứ tư trong các nước ASEAN, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 22%/năm. Nhìn toàn cảnh, bức tranh thu hút vốn FDI là khá sáng sủa, nhưng những “điểm tối” ngày càng bộc lộ rõ. Trong thời gian qua đã có hiện tượng hàng loạt các dự án được “vẽ” ra để xin đất, chờ bán dự án kiếm lời. Không ít doanh nghiệp FDI cố tình báo lỗ hoặc thực hiện “thủ thuật” chuyển giá. Từ đầu năm đến nay, mức chênh lệch giữa vốn đăng ký FDI và vốn thực hiện chỉ loanh quanh ở mức

200-400 triệu USD. Thế nhưng, đã có sự gia tăng đột biến trong vốn đăng ký, khiến khoảng cách này nới rộng lên mức cao, từ 367 triệu USD vọt thẳng lên mức 2.745 triệu USD. Đến tháng 8 vừa qua, dù khoảng cách này đã “hạ nhiệt” với con số giải ngân đạt hơn 1.000 triệu USD, nhưng nhìn ở một góc độ nào đó, có thể nhận thấy sự sụt giảm trong chênh lệch là do sức tăng của vốn đăng ký thấp hơn sức tăng của vốn giải ngân. Tính từ tháng 6-2011 đến nay, giải ngân FDI trung bình chỉ đạt khoảng 1.000 USD. Rõ ràng, sự cải thiện giữa vốn đăng ký và vốn FDI giải ngân hầu như không đáng kể.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu FDI cảnh báo, nếu không có những cách nhìn nhận với nguồn vốn FDI trong thời gian tới, thì khoảng cách chênh lệch giữa hai loại vốn này sẽ ngày càng nới rộng sâu hơn và gây ra những bất lợi cho nền kinh tế. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có chủ trương rà soát các doanh nghiệp và các dự án FDI. Bộ Tài chính cũng có kế hoạch thanh tra 870 doanh nghiệp FDI có dấu hiệu chuyển giá hoặc báo cáo lỗ trong 3 năm liên tiếp. Theo các chuyên gia, những quyết định này dường như quá muộn. Song, muộn còn hơn không.

Chính những cuộc kiểm tra, rà soát này đã dần lộ diện những mặt trái của nguồn vốn FDI thường được kỳ vọng quá nhiều. Đã đến lúc phải tỉnh táo phân biệt sáng - tối trong “bức tranh” thu hút FDI. Những dự án nào bị đình đốn mà không đưa ra thời hạn triển khai, dự án nào tận thu tài nguyên, dự án nào không đủ nguồn lực tài chính và những doanh nghiệp nào khai khống giá nguyên vật liệu hoặc giá xuất khẩu sản phẩm. Phân biệt sáng - tối rõ ràng cả trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác, không để lẫn lộn thực - hư, thật - giả.

Tin cùng chuyên mục