Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng:

Phải xử lý tài chính hơn 325 tỷ đồng

ANTD.VN - Kiểm toán Nhà nước vừa kết luận một loạt sai sót tại dự án cao tốc hiện đại bậc nhất cả nước với số vốn đầu tư lên tới 45.000 tỷ đồng.

Cao tốc Hà Nội- Hải Phòng bị yêu cầu giảm chi hơn 325 tỷ đồng

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài 105km, nối từ Hà Nội tới Hải Phòng, hiện là cao tốc hiện đại nhất Việt Nam với 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp. Đây cũng là tuyến cao tốc bị đội vốn gần gấp đôi so với tổng mức đầu tư ban đầu dù nhận được khá nhiều ưu tiên trong cơ chế hoàn vốn.

Ngoài việc được thu phí với 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn (cao nhất hiện nay), chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) còn được giao thu phí QL5, được khai thác đất hai bên đường để hoàn vốn. Tuyến đường được thông xe toàn tuyến vào ngày 5-12-2015.

Chênh lệch hàng trăm tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước vừa thực hiện kiểm toán dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Kết quả cho thấy, chi phí đầu tư thực hiện từ 1-7-2014 đến 30-9-2016 được kiểm toán là hơn 18.127 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị được kiểm toán xác nhận chỉ là 17.802 tỷ đồng, chênh lệch hơn 325 tỷ đồng. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, sai khối lượng là hơn 17,2 tỷ đồng, sau đơn giá gần 11 tỷ đồng và sai các nội dung khác lên tới hơn 297 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, công tác lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự toán tại một số hạng mục còn sai sót làm tăng giá trị dự toán lên hơn 10 tỷ đồng; công tác nghiệm thu thanh toán còn tồn tại, sai sót trong tính toán khối lượng, áp dụng sai đơn giá, sai sót khác dẫn tới sai lệch về chi phí với số tiền gần 34 tỷ đồng…

Đáng nói, sau khi công trình đã đưa vào khai thác, sử dụng vào ngày 5-12-2015, đơn vị vẫn hạch toán chi phí lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 6-12-2015 đến ngày 31-12-2015 vào chi phí đầu tư (chi phí này phải hạch toán vào chi phí vận hành), giá trị giảm trừ chi phí đầu tư là 186 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án chưa đủ điều kiện xác nhận chi phí đầu tư hoàn thành do hồ sơ nghiệm thu, thanh toán chưa đầy đủ theo quy định của hợp đồng kinh tế ký kết giữa các bên với giá trị 105 tỷ đồng.

Khoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc đã được Vidifi kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào dự án từ đầu năm 2016 nhưng thủ tục vẫn chưa được thực hiện. Đối với khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức - KFW, Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét hình thức chuyển đổi hoặc hỗ trợ phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định của pháp luật liên quan nhưng đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có ý kiến về khoản vay này.

Phương án tài chính bấp bênh

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, phương án tài chính hoàn vốn của dự án còn khá bấp bênh. Khoản hỗ trợ chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án khoảng gần 3.700 tỷ đồng, được giao Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn ngân sách nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ này. 

Mặc dù đã thông xe toàn tuyến vào đầu tháng 12-2015 nhưng đến nay, một số nguồn thu, hỗ trợ thực tế chưa có, do đó chưa đủ cơ sở để đảm bảo khả năng hoàn vốn, phát huy hiệu quả. Phương án tài chính của dự án cũng chưa có ý kiến thẩm định của Bộ GTVT sau khi cập nhật, điều chỉnh một số chỉ tiêu. Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, phương án tài chính còn tính toán trên một số giả định, dự báo như lưu lượng xe; nguồn thu từ các dự án phát triển dọc tuyến; chi phí vận hành bảo trì duy tu QL5 và đường cao tốc.  

Sau khi điều chỉnh một số thông số đầu vào của phương án tài chính theo số liệu kiểm toán, thời gian hoàn vốn của dự án là 28 năm 8 tháng 27 ngày (giảm 1 năm 3 tháng 3 ngày so với phương án tài chính điều chỉnh đang trình Bộ GTVT thẩm định).

Với kết quả kiểm toán trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Vidifi điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Trong đó, tổng số tiền xử lý tài chính là hơn 325 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vidifi phải có nghĩa vụ đôn đốc, thu hồi về nguồn dự án số tiền 357 tỷ đồng đã tạm ứng cho một số đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai dự án.