Phải vượt qua rào cản

ANTĐ - Theo Báo cáo “Điểm lại” vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay cao nhất trong vòng 5 năm qua. Nhiều dấu hiệu tích cực xuất hiện nhưng bức tranh kinh tế cũng lộ ra những điểm yếu cố hữu nếu nhìn sâu vào các lĩnh vực, nhất là đà xuất khẩu suy giảm. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ tăng 7,7%, chậm hơn so với mức tăng 15,3% của cùng kỳ năm trước. Đặc biệt đáng lo ngại là nhiều hàng hóa nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, rau quả, cá tra, tôm sú giảm mạnh cả về giá và lượng.

Xuất khẩu nông sản vốn là bài toán hóc búa đặt ra từ nhiều năm nay, có những thời điểm trở thành “điểm nóng” tại diễn đàn Quốc hội. Tình trạng “được mùa rớt giá”, ùn tắc hàng cây số xe tải xuất khẩu nông sản qua biên giới phía Bắc dường như đã trở thành bệnh mạn tính khó tìm ra liều thuốc đặc trị hiệu quả.

Năm nay, quả vải thiều đã tìm ra lối thoát khi vượt đại dương xuất sang những thị trường khó tính, khắt khe như Mỹ, Australia... Không chỉ người trồng vải mà người nông dân đổ mồ hôi trên những cánh đồng dưa hấu, cà chua, hành tím... dường như đều thở phào nhẹ nhõm. Bà con khấp khởi mừng thầm, từ nay “theo chân” vải thiều, hàng hóa nông sản sẽ không còn rơi vào tình cảnh bị doanh nghiệp nước ngoài bắt bí đến mức phải đổ đầy đường hoặc cho gia súc ăn.

Thế nhưng, ngay chính quả vải thiều lại rơi vào nghịch cảnh “đầu xuôi” nhưng “đuôi” không lọt. Sau khi được người tiêu dùng nước sở tại hồ hởi đón chào, tấm tắc khen “dầy cùi, ngọt sắc” hơn vải nhập từ các nước trong khu vực, quả vải thiều Việt Nam liền bị chê là giá cao quá, trong khi chất lượng bảo quản, vận chuyển “có vấn đề”. Dưới con mắt những doanh nghiệp đã từng lăn lộn trên các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, “số phận” của quả vải Việt Nam đã được biết trước. Bởi vì, các nước này đã dựng sẵn những hàng rào kỹ thuật rất khó chui lọt. Chẳng hạn, quy định về gắn nhãn, đóng gói, sản xuất, thu hoạch, chưa kể các  liệu pháp về vệ sinh, an toàn thực phẩm... Những đòi hỏi này thường vượt quá trình độ sản xuất, công nghệ của Việt Nam. Trường hợp những lô vải tươi của nước ta xuất sang Mỹ và Australia được yêu cầu phải chiếu xạ ở Việt Nam trước khi lên tàu chỉ là một ví dụ.

Tìm đầu ra cho nông sản, thủy sản vốn là bài toán đau đầu của các cơ quan quản lý thương mại cũng như hàng triệu nông dân “một nắng hai sương”. Tuy nhiên, khi có được đầu ra, vấn đề là không thể chỉ nhìn thấy cơ hội mà lơ mơ về những thách thức, rào cản. Phải có những chuyên gia quản lý giỏi, doanh nghiệp tận tâm và người sản xuất biết giữ chữ tín thì quả vải thiều hay những nông sản khác của Việt Nam mới có thể xuất ngoại thành công.