Phải tính toán giảm giá cước vận tải trong chiều 23-2

ANTĐ -Sáng nay 23-2, dưới sự chủ trì của Bộ GTVT, liên Bộ Tài chính, GTVT đã họp với các doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội vận tải thúc giảm giá cước  phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu.

Xấu hổ vì bị nói chây ỳ, không giảm cước!

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) thông tin, trong năm 2015 các doanh nghiệp vận tải đã có 2 lần giảm giá cước vận tải theo giá xăng dầu, từ 3-5%.

Sang năm 2016, tại 63 tỉnh, thành phố cũng đã có DN kê khai giảm giá. Hiện, Bộ GTVT và Bộ  Tài chính cũng đang lấy ý kiến của các đơn vị liên quan về việc sửa đổi Thông tư liên tịch 152 hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng ô tô theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và DN, đồng thời nâng cao hiệu quả của quản lý Nhà nước, để linh hoạt trong công tác quản lý giá cước vận tải. Thông tư này sẽ được liên Bộ thống nhất để ban hành vào đầu tháng 4-2016.

Cước taxi được cho là chây ỳ, không giảm phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận, việc giảm giá cước vận tải thời gian qua chưa tương xứng với mức giảm giá của xăng dầu.

Theo đó, ông Trường lấy dẫn chứng, hiện cả nước có khoảng 4.000 DN tham gia vận tải khách tuyến cố định, nhưng các sở ngành địa phương thống kê lên mới có khoảng 1.000 DN tham gia vào việc giảm giá. Như vậy thể hiện sự thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm của DN với việc kê khai giá cước vận tải. Ngoài ra, cả nước có khoảng 300.000 xe taxi của 1.000 hãng, nhưng DN vẫn còn đưa ra nhiều nhiều lý do khác nhau tránh việc giảm giá. “Song, chỉ cần giá xăng tăng một cái là DN tăng cước vận tải ngay. Trong khi giá xăng giảm thì lại nại rất nhiều lý do, trong đó gồm cả lý do trạm thu phí BOT", ông Trường nhìn nhận.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất xấu hổ khi các phương tiện truyền thông liên tục nói DN vận tải chây ỳ, móc túi khách hàng. Do vậy, các DN phải tính toán lại các yếu tố cấu thành đầu vào để thực hiện giảm giá cước, đặc biệt là  với taxi”.

Theo ông Thanh, hiện thủ tục để DN kê khai giảm giá cước cũng rất phiền hà và nhiêu khê. Do đó, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị, liên Bộ GTVT và Tài chính xem xét giao việc tự chủ cho DN. Như, để DN tự định và kẹp chì đồng hồ khi điều chỉnh cước (cơ quan quản lý Nhà nước hậu kiểm), và có thể tính toán, khi điều chỉnh cước trong một biên độ nhất định như dưới 10% thì không cần phải kê khai thông báo…

“Cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra phương án quản lý cước vận tải, vẫn theo cơ chế thị trường nhưng có sự điều tiết. Còn như hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước toàn dùng mệnh lệnh hành chính để “ép” DN phải giảm cước mà không có cơ sở pháp lý, chế tài đủ mạn để xử lý”, ông Thanh bày tỏ.

Thế kỷ XXI vẫn ngồi bàn yêu cầu DN giảm cước là thất bại!

Còn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội thẳng thắn, thế kỳ 21 rồi mà liên Bộ vẫn phải ngồi họp lại để bàn việc yêu cầu DN giảm giá cước là thất bại trong quản lý giá. “Cần phải giảm bớt thủ tục hành chính, tránh phiền hà, nhiêu khê để khiến các DN có tâm lý “ngại” kê khai lại giá cước vận tải”, ông Liên kiến nghị.

Thứ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận, xăng dầu hiện chiếm đến 25-35% chi phí cấu thành giá cước tải thì dứt khoát, xăng dầu giảm thì cước vận tải phải giảm, tùy theo mức độ, đừng vin vào những lý do này kia để không giảm cước.

“Cũng phải nhìn nhận, thủ tục về việc chấp thuận giá cước cũng không đơn giản, nhất là đối với các địa phương. Sắp tới, liên Bộ Tài chính và GTVT sẽ cố gắng loại bỏ những thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện tối đa cho DN”, ông Thọ cho hay.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu, từ chiều nay 23-2, các DN vận tải taxi và vận tải khách tuyến cố định phải kê khai, tính toán giảm giá cước theo giá xăng dầu. Trong tháng 2 phải công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các TP trên địa bàn cả nước. Các Sở GTVT hướng dẫn trong việc kê khai giá cước giảm phù hợp với giá xăng dầu.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy trình  để triển khai việc giảm giá cước một cách đơn giản. Ngoài ra, giao vụ Vận tải phối hợp với các Hiệp hội vận tải địa phương, làm việc với cơ quan kiểm định về kẹp chì đồng hồ, theo hướng có thể để DN tự chủ, tự thẩm định, cơ quan quản lý sẽ hậu kiểm.