Phải phá thế bị động

ANTĐ - Hình ảnh đoàn xe chở dưa hấu ùn tắc, xếp hàng dài ở cửa khẩu để chờ xuất khẩu sang Trung Quốc; những đống dưa lớn phải đổ bỏ vì không kịp tiêu thụ... đã thúc giục cộng đồng hành động. Việc làm tốt “Mỗi trái dưa, một tấm lòng” nhanh chóng lan rộng từ Hà Nội tới Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa... Ở góc độ xã hội, sự chung tay sẻ chia với người nông dân lúc khó khăn thật cần thiết, mang lại giá trị nhân văn đáng trân trọng. Song dưới lăng kính quản lý kinh tế, đó chỉ là giải pháp tình thế, mang tính tự phát, không tác động được tới cái gốc của vấn đề. 

Nhiều năm gần đây, câu chuyện “được mùa - rớt giá” được đem ra mổ xẻ ở nghị trường. Quốc hội quan tâm bởi đây là vấn đề lớn mang tầm quốc gia, là nỗi bức xúc của hàng triệu người nông dân năm này qua năm khác. Mỗi lần trả lời, các vị tư lệnh ngành đều chia sẻ với khó khăn của người nông dân, trình bày các giải pháp, nhưng thực tế điệp khúc “được mùa - rớt giá” vẫn lại tiếp diễn. Dường như, các khâu sản xuất – lưu thông, phân phối – tiêu thụ vẫn rời rạc, đứt đoạn. Vì không có sự gắn kết, mạnh ai nấy làm theo kiểu phong trào tự phát, nên hiện tượng vỡ quy hoạch, nông sản ùn ứ ở cửa khẩu, phải đổ bỏ hàng loạt; tư thương phân phối, đối tác nước ngoài lũng đoạn thị trường... đã trở thành căn bệnh mạn tính. 

Như vậy là, từ nhà sản xuất – người nông dân, tới các doanh nghiệp phân phối và nhà quản lý vẫn luôn ở thế bị động. Trong tình huống này, người nông dân thường bị ép giá và luôn là đối tượng thua thiệt nhiều nhất trong toàn bộ chuỗi sản xuất – tiêu thụ. Xem ra, cũng giống như câu chuyện “một mâm cơm, ba bộ quản”, lĩnh vực sản xuất – tiêu thụ nông sản cũng cần một cơ chế quản lý xuyên suốt cấp quốc gia như Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm để chấm dứt tình trạng cắt khúc trong quản lý. Cùng với đó, chúng ta phải tích cực nghiên cứu, học tập các nền sản xuất tiên tiến để rút ra mô hình quản lý hiệu quả cho riêng mình. 

Chẳng phải nhìn đâu xa, vừa mới hôm kia, Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev trong chuyến thăm Thái Lan đã tuyên bố, nước này sẵn sàng cung cấp các loại vũ khí quân sự để đổi lấy các mặt hàng nông sản của Thái Lan. Rõ ràng, thương hiệu nông sản Thái Lan đã vượt trước chúng ta khá xa trong con đường hội nhập toàn cầu. Để có thể bắt kịp ”sân chơi” toàn cầu, nông sản Việt rất cần bàn tay quản lý, hướng lái của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể phó mặc cho người nông dân tự bươn chải trong vòng xoáy thị trường.

Thắng thua là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường. Thế nhưng, liên tiếp thua trên sân nhà là điều không thể chấp nhận với một đất nước có nhiều lợi thế về nông nghiệp. Hy vọng, hình ảnh người dân chuyền tay nhau từng quả dưa hấu mang về từ cửa khẩu Lạng Sơn sẽ hối thúc các bộ, ngành chức năng vào cuộc quyết liệt hơn nữa, với những giải pháp đồng bộ, khả thi, giúp người nông dân không còn phải loay hoay buôn bán tiểu ngạch nữa. Có những chính sách và quy hoạch được triển khai chặt chẽ, bài bản bằng con đường chính ngạch, thì người nông dân mới không rơi vào cảnh ngậm đắng, nuốt cay, hay phải lo ngay ngáy mỗi khi mùa thu hoạch về.