Phải nghiêm trị để làm gương

(ANTĐ) - Vụ việc lái xe taxi vi phạm Luật Giao thông và hất CSGT lên nắp ca pô bỏ chạy ở Hà Nội chưa kịp lắng xuống thì vào ngày 2-7, tại TP Hồ Chí Minh, thêm một trường hợp người vi phạm chống lại CSGT hết sức nghiêm trọng.

Người dân đang rất bức xúc trước những hành vi coi thường pháp luật.

 

Coi thường pháp luật
Khoảng 16h ngày 2-7 trên đường Lê Văn Khương thuộc phường Thới An, quận 12, TP Hồ Chí Minh, tổ công tác của Đội CSGT-TT-PƯN Công an quận 12 gồm Thượng sỹ Nguyễn Đức Ánh và Vũ Quang Long trong quá trình làm nhiệm vụ đã phát hiện bà Trương Thị Hạnh (37 tuổi), ở quận 12 điều khiển xe máy chở 2 con đằng sau là Phạm Thị Mỹ Linh (18 tuổi) và Phạm Minh Quang (16 tuổi) đi ngược chiều và cả 3 đều không đội mũ bảo hiểm. Khi bị CSGT lập biên bản xử lý lỗi vi phạm, Phạm Thị Mỹ Linh đã gào thét, đẩy 2 chiến sỹ CSGT không cho lập biên bản. Chưa dừng lại, Linh còn lao vào xô đẩy, tát vào mặt một chiến sĩ CSGT.

Mặc dù bị người vi phạm có thái độ và hành vi coi thường pháp luật, chống đối quyết liệt người thi hành công vụ nhưng 2 CSGT vẫn giữ thái độ bình tĩnh, yêu cầu người vi phạm dắt xe vào lề đường để xử lý, tránh ùn tắc giao thông. Vụ việc xảy ra không lâu sau khi Thiếu úy Nguyễn Trần Long thuộc Đội CSGT số 7, Phòng CSGT CATP Hà Nội bị đối tượng Nguyễn Đức Long điều khiển taxi hất văng lên nóc capô và bỏ chạy sau khi vi phạm Luật Giao thông. Khi được hỏi quan điểm về những vụ việc trên, anh Trần Quang, ở Cầu Giấy không khỏi bức xúc cho biết: “Yêu cầu CSGT phải xử lý thật nghiêm những kẻ coi thường pháp luật này, có như vậy mới bảo vệ được người dân tham gia giao thông trên đường”.

Cần trao thêm quyền cho CSGT
Trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Văn Tài-Đội trưởng Đội CSGT số 3-Phòng CSGT CATP Hà Nội khẳng định: “Người vi phạm Luật Giao thông hành hung, chống đối lại CSGT là… không mới nhưng điều đáng nói, mức độ, hành vi chống đối đang ngày càng đa dạng và nghiêm trọng hơn”. Theo Đại tá Nguyễn Duy Ngọc-Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội, hiện nay dù đơn vị đã trang bị dùi cui điện, khóa số 8, súng bắn đạn hơi cay cho CBCS, đồng thời khi làm nhiệm vụ có ít nhất từ 2 đến 7 CBCS trong một tổ công tác để hỗ trợ nhau nhưng nhiều đối tượng vi phạm vẫn thách thức, ngang nhiên chống đối. “Sự nương nhẹ trong các chế tài xử phạt đã khiến các đối tượng này nhờn, coi thường pháp luật. Có lẽ thực trạng trên chỉ có ở nước ta”-Trung tá Nguyễn Văn Tài nhận xét.

Đánh giá cho thấy, hiện nay dù mức xử phạt theo Nghị định 34 đã tăng hơn so với Nghị định 32 tuy nhiên cũng chẳng thấm vào đâu so với những nguy hiểm mà CSGT đang hàng ngày hàng giờ phải đối mặt và cũng chưa đủ để các đối tượng này biết sợ. Thực tế, CSGT phải tự bảo vệ mình trước những hành vi vi phạm mà hầu như rất ít khi được sự ủng hộ trực tiếp của người dân. Nhiều đối tượng bỏ chạy bị CSGT đuổi bắt được thì người dân không đồng tình, lên án, mà không nghĩ rằng, nếu CSGT không bắt giữ thì những hậu quả từ các đối tượng coi thường pháp luật này gây ra có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

“Tiếng nói, hành động của người dân rất quan trọng và chúng tôi mong muốn người dân ủng hộ lẽ phải, qua đó sẽ góp phần cùng với CSGT xử lý triệt để những đối tượng này” - Đại tá Nguyễn Duy Ngọc cho biết. Còn bác Nguyễn Văn Cung, ở quận Hai Bà Trưng cho rằng, cùng với việc lên án mạnh mẽ của toàn xã hội, lực lượng làm nhiệm vụ cần phải được tăng cường thêm quyền hạn, các biện pháp bảo vệ để đủ sức nghiêm trị những đối tượng coi thường pháp luật.