Phải lường trước rủi ro

ANTĐ - Mấy chục năm nay, Trung Quốc luôn là một trong những bạn hàng lớn của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, riêng nửa đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đã đạt tới 6,1 tỷ USD. Các mặt hàng “đầu bảng” xuất khẩu sang thị trường này đều chiếm tỷ trọng lớn trong nền sản xuất như thủy sản, rau quả, hạt điều, cao su, gỗ, gạo, sắn… tới hàng trăm triệu USD. Chỉ cần một động thái nhỏ, một chính sách hoặc thuế suất thay đổi cũng khiến doanh nghiệp và sản xuất nước ta lao đao.

Đã trở thành quy luật, vào thời điểm này, giao thông liên mậu giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn nhộn nhịp tấp nập, tại cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh, Lạng Sơn. Đây cũng là lúc thường diễn ra “điệp khúc” ùn ứ, ách tắc, tồn đọng hàng hóa xuất sang bên kia biên giới. Cụ thể, hiện tại ở cửa khẩu Móng Cái tồn đọng tới 1.185 container hàng hóa thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập - tái xuất. Đó là chưa tính đến hàng dồn tích chưa đưa ra cửa khẩu và đang lưu kho, bãi tại cảng tạm nhập ở Hải Phòng, cảng Cái Lân. Lượng hàng tồn ứ quá lớn này khiến Bộ Công Thương và Cục Hải quan Hải Phòng phải vào cuộc xử lý hơn 2.500 container hàng đông lạnh. Đây chỉ là “hạt cát” cho thấy tình trạng lệ thuộc, bị động của các doanh nghiệp nước ta khi làm ăn với bạn hàng “láng giềng” truyền thống này.

Nhiều năm nay, dư luận đã trở thành “chai sạn” với những thông tin lặp đi lặp lại tình trạng hàng dài xe tải, xe container rau tươi, quả chín từ miền Trung, miền Nam lũ lượt ngược lên biên giới phía Bắc, rồi không thể xuất sang bên kia chỉ vì một vài thay đổi không thể lường trước được của các “bạn hàng”. Riêng loại hình kinh doanh tạm nhập - tái xuất đang giải quyết hàng chục nghìn công ăn việc làm và gần như là nguồn thu chính của không ít các địa phương. Với hơn một nghìn container tồn đọng tại Móng Cái, cơ quan hải quan yêu cầu doanh nghiệp phải đưa toàn bộ hàng hóa vào lưu giữ tại các điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, song biện pháp này chỉ để xử lý tình huống “đã rồi” bởi khó giám sát được hàng tạm nhập - tái xuất biến hóa thành hàng nhập lậu.

Phân tích nguyên nhân sâu xa của việc tồn đọng hàng nghìn container tại cửa khẩu phía Bắc, chính là bắt nguồn từ việc kinh doanh phụ thuộc quá nhiều vào chính sách liên mậu của Trung Quốc. Thời gian gần đây, khi họ tăng cường kiểm tra, quản lý khu vực biên giới, các đối tác Trung Quốc không nhận hàng theo thỏa thuận với doanh nghiệp Việt Nam dẫn đến hàng tồn đọng rất lớn. Hơn thế, do thuế suất đối với một số mặt hàng theo đường chính ngạch cao hơn nhiều so với đường tiểu ngạch, nên thương nhân nước họ thường ép doanh nghiệp nước ta xuất tiểu ngạch. Nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn thanh toán bằng tiền mặt hoặc thông qua tư nhân chuyển tiền, chính là tạo điều kiện cho hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu không thể ngăn chặn nổi. “Cao thủ” hơn, chính sách thương mại biên giới của họ còn cho phép chính quyền địa phương tự điều chỉnh, càng đẩy doanh nghiệp ta vào “chân tường”. Khi cho nhập nhiều một mặt hàng, khi thì đột nhiên hạn chế hoặc cấm tiệt.

Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam khuyến cáo, làm ăn với “bạn hàng” Trung Quốc, doanh nghiệp của ta thường vì lợi trước mắt, không lường hết rủi ro, quay quắt nhưng lại không có ràng buộc pháp lý nên luôn chịu thiệt, mất cả thương hiệu. Muốn làm ăn lâu dài với họ, dứt khoát phải thay đổi đầu óc làm ăn. Còn kiểu “bóc ngắn, cắn dài”, nhất là thói “khôn nhà, dại chợ” thì còn “mất cả chì lẫn chài”.