Phải lường trước những “cạm bẫy”

ANTĐ - Việc dự V-League là cơ hội tốt cho U22 Việt Nam có sự tích lũy, cọ xát trước khi bước vào chiến dịch chinh phục SEA Games vào cuối năm. Nhưng ở một “mảnh đất” đầy rẫy tiêu cực như V-League, làm thế nào để cầu thủ vẫn “giữ được mình” lại là vấn đề không hề đơn giản.  

Dự V-League là cơ hội nhưng cũng là thách thức với tuyển U22 Việt Nam

Một trong những đề xuất được xem là đột phá của VPF trong mùa giải 2013 chính là việc đặc cách cho tuyển U22 Việt Nam dự V-League 2013. Theo lãnh đạo công ty, đây là điểm nhấn trong mục tiêu hướng tới SEA Games 27. Dù còn phải chờ Tổng cục TDTT xem xét, nhưng đề xuất của VPF ngay sau khi được công bố đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. HLV kỳ cựu Vương Tiến Dũng e ngại: “Trên lý thuyết, U22 dự V-League là cơ hội tốt để chúng ta có một ĐTQG mạnh thi đấu SEA Games và các giải đấu quốc tế sắp tới. Song vấn đề là liệu các CLB có chịu để những cầu thủ trẻ có chất lượng của họ cho đội U22 đá V.League, “chống lại” chính đội bóng của mình. Nếu không có được những cầu thủ tốt nhất, mục tiêu cọ xát mà U22 hướng tới coi như thất bại”. 

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh cho rằng, sở dĩ nhiều CLB không muốn “nhả” quân là do lo ngại cầu thủ của mình khi lên tuyển sẽ dễ mắc bệnh sao, hoặc khi chấn thương có được chăm sóc tử tế để khi về lại CLB không phải “thương binh”, có thể cống hiến tốt. “Liệu VFF và VPF có đảm bảo rằng những cầu thủ đó sẽ được nuôi dưỡng trong môi trường tốt nhất, cả vật chất lẫn tinh thần”, ông Vinh đặt câu hỏi. Liên quan đến vấn đề này, Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn cho biết: “VPF mới chỉ đề xuất và trước mắt sẽ chỉ áp dụng tại mùa giải 2013, sau đó mới tính tiếp. Ngoài ra, trước khi thống nhất đề xuất, VPF cũng đã thăm dò ý kiến nhiều CLB và cơ bản đều đồng ý đóng góp cầu thủ chất lượng cho tuyển U22, vì mục tiêu chung của bóng đá Việt Nam”.

Bên cạnh chất lượng đội tuyển, điều khiến nhiều người lo ngại hơn cả chính là việc các tuyển thủ liệu có chống đỡ được và tránh bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực, vốn đã ăn sâu vào V-League suốt nhiều năm qua? Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở, bởi các cầu thủ tuổi đời còn rất trẻ, đa số chưa trải nghiệm môi trường V-League do các mùa giải trước gần như không được trao cơ hội. Rồi đến việc VPF áp dụng quy định mới sẽ không có đội bị xuống hạng mùa giải 2014 đang làm nảy sinh lo ngại nạn tiêu cực như xin-cho, nhường điểm số giữa các đội bóng bùng phát. Chưa kể, VPF đang tính phương án thuê HLV ngoại nắm quyền U22 dự giải.

Quyết định này được cho là tích cực khi U22 dự các giải, các trận giao hữu quốc tế, nhưng còn ở V-League - nơi rất cần một HLV am hiểu cặn kẽ - rõ ràng thiếu hợp lý. Ngay cả với một HLV nội nhiều năm lăn lộn với V-League, việc làm thế nào để truyền dạy chuyên môn mà lại có thể giúp cho học trò thoát khỏi những cạm bẫy chết người ở sân chơi đầy rẫy tiêu cực này cũng đã quá khó. 

Sẽ là quá tiêu cực nếu chỉ vì những lo ngại trên mà không cho U22 cơ hội cọ xát, bồi dưỡng quý báu trước SEA Games. Vấn đề là thời điểm này, giới quản lý cần lường trước những hệ lụy để tìm phương án phòng ngừa, chứ không phải cứ thấy khó là lại bàn lùi…