Phải lo cho dân trước

ANTĐ - Trước thông tin chỉ có 20% hồ chứa của các công trình thủy điện có phương án bảo vệ, trong khi đó hàng trăm hồ, đập trên phạm vi cả nước vẫn chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, anh Hoàng Mạnh Chung (32 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Trước khi xây dựng cần có phương án đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng có nguy cơ. Chỉ một sự cố nhỏ sẽ gây hậu quả khó lường”.

- Vì sao anh lại lo lắng như vậy?

- Trên thực tế, những sự cố tại các đập thủy điện, thủy lợi trong thời gian qua tuy chưa gây ra hậu quả đáng tiếc nhưng cũng là lời cảnh báo sâu sắc. Dù không sống ở vùng có nguy cơ nhưng mỗi khi nghe tin hồ chứa này bị rò nước hay đứng trước nguy cơ vỡ đập, tôi lại thấy các cơ quan chức năng cần phải quan tâm sâu sát hơn nữa, phải lo cho sự an toàn của người dân trước hết. Thử hỏi nếu sống dưới chân những đập nước lớn như vậy có ai đủ dũng cảm để tin vào lời hứa đập an toàn trong khi sự cố chưa được khắc phục. 

- Cơ quan chức năng cho rằng nguồn vốn để duy tu, sửa chữa hồ đập rất khó khăn nên không thể làm dàn trải. Anh suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Đúng là kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn nhưng những vấn đề liên quan tới an toàn đối với tài sản của nhân dân và tính mạng con người thì cũng cần được quan tâm hàng đầu. Để không phải duy tu, sửa chữa nhiều thì ngay từ khi lên phương án cần tính toán kỹ, trong quá trình thi công cũng cần có sự giám sát chặt chẽ các quy chuẩn an toàn tránh tình trạng làm sai thiết kế, ăn bớt... 

- Nhận định trên của anh  dựa trên cơ sở nào?

- Sự cố vỡ đập Ia Krel 2 là một minh chứng, chính quyền địa phương cho biết, do chủ đầu tư dự án thuê tư vấn giám sát nhưng không chặt chẽ, để chủ đầu tư tự ý và dẫn đến vỡ đập. Những quy định quản lý còn bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng. Sự phối hợp các ngành, các cấp chưa chặt chẽ trong quản lý, xây dựng, quy trình vận hành còn nhiều thiếu sót như khi ở trên thì xả, mà ở dưới không biết...