Phải làm gì khi bỗng nhiên bị vu vạ, bôi nhọ trên mạng xã hội?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua có không ít cá nhân bỗng dưng bị nói xấu, bôi nhọ, làm nhục trên mạng xã hội. Điều đáng nói là hầu hết các đối tượng thực hiện hành vi đều sử dụng tên giả, nick ảo để tấn công dồn dập, còn các “khổ chủ” thì điêu đứng, lo lắng đến mất ăn mất ngủ…

Tràn lan những chuyện bịa đặt, vu khống trên mạng

Hơn 1 tuần nay, chị N.T.V – nhân viên văn phòng ở quận Long Biên, Hà Nội đứng ngồi không yên. Nguyên nhân là do vào một ngày không đẹp trời, chị V nhận được hàng loạt tin nhắn của bạn bè cho biết chị đang bị bôi nhọ trên Zalo, Facebook với những câu chuyện “động trời” như “là con giáp thứ 13”, “chuyên vay tiền nhưng quỵt nợ”, “chi hàng trăm triệu đồng phẫu thuật thẩm mỹ để “câu trai”...Với người thân hoặc bạn bè chơi lâu năm với chị V, khi đọc những thông tin này họ biết ngay là tin giả nên nhanh chóng lướt qua, song một số người khác lại không khỏi nghi ngại.

“Vài ngày trước, tôi nhận được cuộc gọi của cô bạn học cùng phổ thông khá lâu không gặp. Qua điện thoại, cô bạn này hỏi thăm các thông tin liên quan đến cuộc sống cá nhân của tôi với giọng điệu ngập ngừng, e dè. Gặng hỏi mãi, cô ấy mới cho tôi biết trên mạng xã hội, tôi đang bị bêu xấu với những lời lẽ vô cùng thậm tệ, rằng tôi “là kẻ thức ba đi cướp chồng người khác” nên cô ấy gọi cho tôi xem sự thể thế nào” – Chị V chia sẻ.

Sử dụng mạng xã hội để tấn công, bôi nhọ người khác là vi phạm pháp luật (ảnh minh họa)

Sử dụng mạng xã hội để tấn công, bôi nhọ người khác là vi phạm pháp luật (ảnh minh họa)

Sau cuộc gọi đó, chị V tiếp tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn từ nhiều người khác thông tin về những nội dung tương tự. Mặc dù chị đã giãi bày, khẳng định là gia đình mình vẫn yên ổn và hạnh phúc, chị không chen ngang, không cặp kè, không phá vỡ hạnh phúc gia đình nào nhưng vẫn có không ít người tỏ ra e dè hoài nghi.

“Tôi mệt mỏi vô cùng, muốn tìm hiểu, gặp trực tiếp những đối tượng đã bịa đặt thông tin, bôi xấu, làm nhục tôi trên mạng xã hội để làm cho ra nhẽ nhưng không thể vì họ không có hình ảnh và thông tin cá nhân trên mạng. Tôi quá chán nản nên không muốn giải thích thêm về những chuyện không liên quan đến mình nữa” – Chị V chia sẻ.

Không chị V mà thời gian qua, nhiều cá nhân khác bỗng chốc đã trở thành tâm điểm trên mạng xã hội từ những câu chuyện do một đối tượng nào đó dựng lên với lời lẽ hoàn toàn bịa đặt, vu khống. Nạn nhân trong các vụ việc này bị ảnh hưởng nghiêm trọng về danh dự và nhân phẩm, đời sống sinh hoạt bị đảo lộn, tạo ra nhiều hệ lụy về mặt xã hội.

Bôi nhọ, làm nhục người khác trên mạng có thể bị phạt tù

Về hiện tượng trên, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, bôi nhọ danh dự người khác là hành vi truyền bá thông tin sai sự thật về người khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người đó.

Trong khi đó, danh dự nhân phẩm của mỗi con người được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Theo Điều 34 BLDS 2015, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó.

Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng cũng quy định về những hành vi xâm phạm đến danh dự của người khác trên không gian mạng, thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống gồm: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

"Dùng mạng xã hội để bôi nhọ đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác là hành vi trái pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015" - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Khi phát hiện có hành vi phạm tội, cá nhân cần làm đơn tố cáo hành vi của người này đến cơ quan công an cấp huyện nơi người đó cư trú, hoặc làm đơn trình báo lên cơ quan công an cấp quận huyện nơi mình đang cư trú hợp pháp để được giải quyết.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, do danh dự nhân phẩm của mối người được pháp luật bảo vệ nên khi có hành vi chửi bới thông qua mạng xã hội nhằm hủy hoại, bôi nhọ, sỉ nhục danh dự nhân phẩm người khác mà gây thiệt hại, người bị hại có thể yêu cầu người đó bồi thường tổn thất do hành vi đó gây ra theo Điều 592 BLDS 2015.