Phải hài hòa được lợi ích cho thầy thuốc

ANTĐ - Lâu nay chúng ta hiểu đơn giản rằng y đức là ân cần, không sách nhiễu, vòi vĩnh người bệnh, nhưng liệu thế đã đủ? Trước chỉ dạy học sinh ngành y là phải biết hy sinh và hy sinh, điều đó liệu còn phù hợp?... Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam đã có những chia sẻ đầy tâm huyết.

- PV: Những năm gần đây xảy ra hàng loạt vụ việc tiêu cực trong ngành y. Vì sao y đức đi xuống như vậy?

- GS Phạm Mạnh Hùng: Đất nước ta đang bước vào thời kỳ xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền y tế cũng trong xu hướng phát triển này. Một trong những khuyết điểm mà ngành y tế đang gặp phải là không định hình và nhận dạng được y tế trong thị trường là như thế nào. Trong thời bao cấp, y tế chỉ có thành phần là thầy thuốc và bệnh nhân, còn thuốc men, trang thiết bị đều do nhà nước cung cấp. Hiện nay, còn có sự xuất hiện của các doanh nghiệp dược, nhà môi giới khám chữa bệnh, nhà quảng cáo, nhà quản lý bệnh viện…, nên quan hệ giữa thầy thuốc và người bệnh đã thay đổi. 

Nói đơn giản, ngày xưa y tế là phục vụ, ngày nay y tế là dịch vụ. Đã là dịch vụ thì phải có trao đổi giữa bác sĩ với bệnh nhân, giữa bác sĩ với các thành phần liên quan, cụ thể là sự trao đổi về lợi ích. Ngày xưa người thầy thuốc không phải nghĩ đến chuyện kiếm sống, tất cả được bao cấp. Trong trường y, thầy giáo chỉ dạy học sinh là hy sinh, hy sinh và hy sinh. Nhưng ngày nay, người thầy thuốc không chỉ biết hy sinh vì người bệnh mà còn phải lo kiếm sống. Do đó, chúng ta phải giải quyết được mối quan hệ giữa hy sinh và lợi ích của người thầy thuốc, giữa lợi ích người thầy thuốc với lợi ích người bệnh. Y đức đi xuống là do chúng ta chưa giải quyết được triệt để, thấu đáo mối quan hệ nói trên. Nhiều y bác sĩ không ý thức được việc phải đặt lợi ích người bệnh lên cao nhất, trên cả lợi ích của mình, dẫn đến những sai lầm đáng tiếc…  

- Trình độ, nhận thức của y bác sĩ và các vấn đề tai biến y khoa, xã hội hóa y tế … có mối liên hệ với y đức như thế nào?

- Lâu nay chúng ta hiểu đơn giản rằng y đức là ân cần, không sách nhiễu, vòi vĩnh người bệnh, nhưng như thế là chưa đủ. Bác sĩ rất ân cần nhưng chữa bệnh không khỏi, còn gây tai biến thì liệu đã làm tốt y đức? Thực tế trong y khoa luôn có một tỷ lệ tai biến nhất định nhưng tuyệt đối không được viện lý do này để biện minh cho các sai sót của bác sĩ mà cần phải bình tĩnh đánh giá nguyên nhân. Người thầy thuốc được bệnh nhân tin tưởng giao phó tính mạng cho, vì thế cần phải làm thế nào để xứng đáng với niềm tin của người bệnh. 

Chúng ta đang đẩy mạnh xã hội hóa trong y tế nhưng mới quan tâm đến việc người dân đóng góp càng nhiều càng tốt mà chưa ưu tiên tới các lĩnh vực giúp dân tự bảo vệ sức khỏe. Một nền chăm sóc sức khỏe tốt không chỉ là khám chữa bệnh tốt mà còn phải là góp phần làm cho dân không bị nghèo hóa. Người bác sĩ vẫn chữa khỏi bệnh cho người bệnh nhưng vì lợi ích của mình mà lạm dụng chỉ định thêm 1 xét nghiệm, kê đơn thêm một loại thuốc đắt tiền nhưng không thực sự cần thiết thì chính bác sĩ đó đã góp phần làm dân nghèo hơn. Đấy là chưa kể việc lạm dụng máy móc biến người thầy thuốc từ người “mẹ hiền” thành người xa lạ vì chỉ biết dựa vào máy móc để chẩn đoán mà quên phương pháp lâm sàng, tâm lý học khi tiếp xúc với bệnh nhân.

- Muốn nâng cao y đức, đưa ngành y tế đi lên theo đúng mục tiêu “công bằng, hiệu quả, phát triển”, cần những giải pháp gì?

- Để thực hiện được mục tiêu trên cần có một giải pháp tổng thể và cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, chung tay giải quyết với ngành y. Tôi muốn phân tích sâu hơn vào khía cạnh lợi ích của người thầy thuốc mà như tôi đã nói là không thể không bàn đến trong tình hình hiện nay bởi đó là động cơ làm việc. Lợi ích ở đây phải phân biệt rõ giữa lương và thu nhập. Lương của ngành y là thấp nhưng thu nhập của người thầy thuốc ở thành phố hiện nay không hề thấp. Một bộ phận cán bộ y tế công tác ở vùng sâu, vùng xa hoặc các lĩnh vực mà nguồn sống phải trông chờ vào lương sẽ ngày càng khó khăn. Một bộ phận khác sẽ theo đuổi nguồn “thu nhập” ngoài lương bằng cách dễ nhất là làm giàu trên thân xác người bệnh. Khi họ tìm mọi cách kiếm thêm tiền ngoài đồng lương, chính những người này sẽ trở thành lực cản những cải cách y tế trong tương lai. Do đó, các chính sách phải hài hòa được lợi ích của người thầy thuốc.