Từ sự cố kênh đào Suez nhìn về căng thẳng ở Biển Đông:

Phải đảm bảo bằng được tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vụ con tàu khổng lồ MV Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez dù chỉ là một sự cố giao thông song cũng đủ gây ra những xáo động không nhỏ đối với nền kinh tế thế giới. Thế mới thấy, bất kỳ sự cố nào làm ảnh hưởng tới tuyến vận tải biển huyết mạch toàn cầu đều có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường.
Sự cố tàu MV Ever Given gây ách tắc tuyến vận tải biển huyết mạch qua kênh đào Suez ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu và kinh tế thế giới

Sự cố tàu MV Ever Given gây ách tắc tuyến vận tải biển huyết mạch qua kênh đào Suez ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu và kinh tế thế giới

Sự cố chấn động tới kinh tế thế giới

Cả thế giới đã thở phào nhẹ nhõm khi con tàu container khổng lồ 220.000 tấn MV Ever Given do công ty Đài Loan Evergreen Marine vận hành được giải cứu khỏi mắc kẹt tại kênh đào Suez. Dù chỉ bị mắc kẹt trong thời gian hơn 6 ngày, song sự cố làm tắc nghẽn kênh đào Suez cũng đã gây ra những chấn động không nhỏ về kinh tế với những thiệt hại có thể cân đo đong đếm được.

Về những thiệt hại trực tiếp, việc siêu tàu hàng MV Ever Given dài 400m chắn ngang kênh đào Suez đã khiến ít nhất 369 tàu lớn chở theo số lượng hàng hóa trị giá hàng tỷ USD đã bị mắc kẹt tại các lối vào kênh đào Suez của Ai Cập. Tính toán của công ty bảo hiểm Đức Allianz cho biết, cứ mỗi ngày kênh đào Suez bị ách tắc có thể gây thiệt hại cho thương mại toàn cầu khoảng 6-10 tỷ USD.

Đối với quốc gia có con kênh đào Suez là Ai Cập cũng chịu thiệt hại đáng kể bởi đây là nơi mang lại nguồn thu ngoại hối quan trọng của quốc gia châu Phi này. Ước tính sự cố tàu MV Ever Given đã khiến Ai Cập thiệt hại khoảng 14 đến 15 triệu USD mỗi ngày.

Cơ quan định giá độc lập quốc tế về các thị trường năng lượng và hàng hóa Argus Media tính toán, do sự ách tắc trên kênh đào Suez trong thời gian tàu MV Ever Given chắn ngang, giá container phế liệu sắt tăng lên 900 USD/container cho tuyến vận tải từ Mỹ đến vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vào ngày 1-4. Trong khi đó, mức giá này là 800 USD/container của tháng 3 vừa qua.

Những thiệt hại lan tỏa, mang tính lâu dài còn lớn hơn nhiều bởi kênh đào Suez - tuyến đường huyết mạch dài 193 km phục vụ tới 12% tổng lượng vận tải biển của toàn thế giới - đã giúp việc vận chuyển hàng hóa giữa châu Âu và châu Á tiết kiệm hơn rất nhiều về thời gian và tiền bạc. Sự cố tàu MV Ever Given mắc kẹt có thể phải khiến những con tàu vận tải biển phải thay đổi lộ trình đi vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi, làm đội thời gian thêm hàng tuần lễ cùng hàng trăm nghìn USD chi phí.

Chuyên gia hàng hải Andrew Kinsey tại Công ty Allianz (Đức) cảnh báo, dù tàu MV Ever Given đã được giải cứu, nhưng tác động từ sự cố này sẽ kéo dài tới nhiều tháng sau này. Với hơn 420 tàu biển cỡ lớn vẫn đợi chờ đi qua kênh đào Suez sau khi tàu MV Ever Given được giải phóng, sẽ cần phải mất nhiều ngày để di chuyển hết số tàu này từ hai đầu kênh đào.

Chưa tính đến thống kê chính thức về thiệt hại khi dòng hàng hóa trị giá khoảng 9,6 tỷ USD giữa châu Á và châu Âu bị chặn đứng - theo tính toán của Công ty dữ liệu hàng hải Lloyd's List - quá trình kiện tụng đòi bồi thường cho vụ mắc kẹt của siêu tàu biển MV Ever Given tại kênh đào Suez sẽ vô cùng rắc rối, thậm chí mất nhiều năm giải quyết. Hãng tin Bloomberg cho rằng, sắp tới sẽ có hàng ngàn hợp đồng bảo hiểm được lật lại để truy tìm bên chịu trách nhiệm. Các khoản bồi thường thiệt hại từ vụ việc này có thể lên đến hàng triệu USD.

Phải đảm bảo bằng được tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông

Là tuyến vận tải biển huyết mạch bận rộn bậc nhất thế giới, Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) cho biết, đã có tổng cộng 18.829 tàu biển chở 1,17 tỷ tấn hàng hóa qua kênh đào Suez trong năm 2020, chiếm khoảng 12% giao thương toàn cầu cùng năm. Trong khi đó, dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, phương thức vận tải chính của thương mại toàn cầu là vận tải hàng hải với khoảng 90% hàng hóa giao dịch được chuyển thông qua đường biển.

Trong trường hợp tuyến vận tải biển qua kênh đào Suez bị tắc nghẽn như sự cố tàu MV Ever Given có thể làm gián đoạn đối với thương mại toàn cầu, khiến phí vận chuyển đường biển tăng phi mã, gia tăng thêm mức tiêu thụ năng lượng và gia tăng lạm phát toàn cầu. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chịu nhiều thiếu hụt và chậm trễ trong quá trình vận chuyển kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, sẽ càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng thêm.

Sự cố tàu MV Ever Given khiến tuyến vận tải biển quan trọng bị ách tắc, dù tính toán cụ thể là 6 ngày và 2 giờ, đã khiến cả thế giới quan tâm, lo ngại về an toàn và an ninh đối với những tuyến vận tải biển được xem như huyết mạch vận tải biển cũng như kinh tế toàn cầu. Sự cố này khiến thế giới giật mình nhớ lại những cuộc khủng hoảng xảy ra với con kênh đào Suez vào các năm 1956, 1967, trong đó cuộc chiến tranh năm 1967 giữa Israel với Ai Cập và các quốc gia Arập khiến kênh đào này phải đóng cửa tới 8 năm.

Sự cố kênh đào Suez mới đây cũng khiến thế giới không thể không lo lắng khi nhìn vào tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. Nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á, tuyến vận tải biển đi qua Biển Đông là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới với khoảng 200 tàu cỡ lớn qua lại mỗi ngày.

Các tuyến đường biển trên là “yết hầu” cho giao lưu hàng hóa của nhiều nước châu Á. Lượng hàng hóa vận tải biển qua vùng Biển Đông có tổng giá trị thương mại khoảng 5,3 nghìn tỷ USD mỗi năm. Theo thống kê của Cơ quan năng lượng Mỹ, 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng thế giới được chuyên chở qua Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ.

Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… Nếu như hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển thì có tới 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông. Biển Đông vì thế có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa - chiến lược, an ninh quốc phòng, giao thông hàng hải và kinh tế.

Tuy nhiên, Biển Đông thời gian qua luôn trong tình trạng căng thẳng do Trung Quốc ráo riết tiến hành quân sự hóa hòng dùng sức mạnh để thực hiện yêu sách đòi chủ quyền với khoảng 80 diện tích vùng biển chiến lược này. Những hành động hung hăng, gây hấn của Trung Quốc nguy cơ tạo ra mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh, ổn định cũng như đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Từ sự cố MV Ever Given ở kênh đào Suez có thể thấy việc đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông có vai trò quan trọng đối với thế giới không chỉ là tuyến vận tải biển huyết mạch, mà quan trọng hơn là hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và cả thế giới.