Phải coi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác

ANTD.VN - Quốc hội dành cả ngày làm việc hôm qua 5-6 để thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Đa số đại biểu (ĐB) đều cho rằng việc kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) có chuyển biến song còn rất chậm, tình trạng mất ATTP diễn ra khá phổ biến trên cả nước gây bức xúc xã hội, đề nghị mạnh tay hơn trong xử lý.

Phải coi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác ảnh 1Quang cảnh phiên thảo luận

“Hóa chất độc hại không chừa thực phẩm nào” 

ĐB Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) chỉ ra tỉ lệ các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh được cấp giấy chứng nhận chỉ dưới 50%, cùng thực trạng thực phẩm bẩn có ở khắp mọi nơi và đang cạnh tranh với thực phẩm sạch. Trong khi đó, ĐB Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) bày tỏ lo lắng trước hàng loạt vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm hôi thối nhập từ Trung Quốc, cùng thực trạng sử dụng tràn lan, không kiểm soát chất cấm trong thực phẩm.

“Hóa chất độc hại, chất cấm không chừa thực phẩm nào. Không quá khi nói người Việt đang đầu độc chính mình. Phải coi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác. Chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế từ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng những gì nhận được chỉ là sự phản hồi yếu ớt do cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên ý chí và chi phối dẫn đến hành động thiếu lương tri của họ. Một khi tấm lòng và sự kiên trì đến giới hạn thì lời lẽ cuối cùng và cần thiết lúc này là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật”, ĐB Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.

Bức xúc với tình trạng ngộ độc rượu giả, rượu kém chất lượng gia tăng cướp đi sinh mạng của nhiều người, ĐB Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho biết hiện có tới 80% lượng rượu tiêu thụ hiện nay không được dán tem thuế, ẩn chứa nguy cơ gây hại tới tính mạng người dân, để lại hậu quả lâu dài về giống nòi, trí tuệ người dân Việt Nam. ĐB Dương Minh Ánh nhấn mạnh: “Cử tri yêu cầu siết chặt việc thực hiện các quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, tăng chế tài xử phạt và đặc biệt phải duy trì lâu dài chứ không phải chỉ là phong trào”. 

Phải coi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác ảnh 2Lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh. Ảnh: THẾ ĐẠI

Quản lý Nhà nước về ATTP còn cắt khúc

Nhắc lại những con số về số vụ, số người mắc, người chết vì ngộ độc thực phẩm trong giai đoạn 2011-2016 được nêu trong báo cáo của Chính phủ, ĐB Nguyễn Hoàng Mai (đoàn Tiền Giang) cho rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng vì thực tế còn nhiều vụ người dân tự xử lý, không được các cơ sở y tế ghi nhận: “Nguyên nhân chính là do quản lý Nhà nước về ATTP còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP còn cắt khúc từ trang trại đến nhà ăn, tạo nhiều khoảng trống chưa được xử lý hiệu quả”.

Ngày 5-6, thảo luận tại hội trường Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, đa số đại biểu cho rằng tình trạng mất kiểm soát an toàn thực phẩm diễn ra khá phổ biến trên cả nước gây bức xúc xã hội, đề nghị mạnh tay hơn trong xử lý. 

Chia sẻ với ý kiến trên, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho rằng nếu không chỉ rõ địa chỉ, không làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương nào chưa làm tốt thì khó cải thiện tình trạng này trong tương lai. Cho rằng việc đảm bảo ATTP phụ thuộc rất nhiều vào người dân vì nó gắn liền với họ trong từng bữa ăn hàng ngày, ĐB Nguyễn Mạnh Cường nêu lên một thực tế: “Hiện nay, nếu người tiêu dùng phát hiện vấn đề bất an về thực phẩm ở một cửa hàng, cơ sở nào đó thì họ cũng không biết phải báo ở đâu, thậm chí có biết thì thủ tục rất rườm rà”. 

Tranh luận tại phiên thảo luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) lại cho rằng, quan trọng nhất đối với lĩnh vực ATTP là cần xây dựng xã hội với những người tiêu dùng thông thái vì họ vừa là người sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Đối với việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, biện pháp này không ổn vì nhiều người dựa vào Giấy chứng nhận làm cái khiên che đỡ cho các hành vi vi phạm. “Cần kiểm soát chặt chẽ chứ không phải đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, cần khen thưởng cho những người dân, cơ quan báo chí phát hiện vi phạm, dành một phần thích đáng trang bị phương tiện máy móc hiện đại phục vụ công tác kiểm định chất lượng sản phẩm”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề xuất. 

ĐBQH tranh luận với Bộ trưởng

Được dành 10 phút để giải trình một số nội dung ĐB nêu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra nhiều con số lạc quan: “5 năm qua ta sản xuất lương thực, thực phẩm đáp ứng cho 92 triệu dân, trên 100 triệu tấn nông sản xuất khẩu sang các nước. Ta đã đưa được tuổi thọ người dân tăng lên 74 tuổi, đó là cố gắng lớn”.

Đề cập tới vấn đề nhức nhối như thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất đưa vào chuỗi sản xuất, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Hiện chúng ta đang có 4.000 tên thuốc là quá nhiều. Trong 8 tháng vừa qua, Bộ đã rà soát loại 600 sản phẩm không cần thiết đưa vào có gốc độc rất cao. Về phân bón hiện là vấn đề bức xúc, sắp tới, Bộ sẽ trình Nghị định quản lý phân bón, chế tài xử phạt nghiêm minh đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng”.

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ NN&PTNN kết thúc phần phát biểu, ĐB Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) bấm nút tranh luận: “Tuổi thọ trung bình tăng lên 74 nghe rất lạc quan. Nhưng vấn đề là tuổi thọ sức khỏe của người Việt Nam chỉ là 56 tuổi. Vậy còn 18 năm là sống trong bệnh tật?”.

Cùng bấm nút tranh luận, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng hiện nay chúng ta đang có quá nhiều văn bản gây chồng chéo, không phù hợp với quy định hiện hành. “Trong khi đó lại đang thiếu trầm trọng về hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Đây chính là thước đo, công cụ để các địa phương quản lý ATTP. Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?”, ĐB Nguyễn Quang Tuấn đặt câu hỏi.

ĐB Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) thẳng thắn đặt vấn đề: “Các giải pháp được nêu chỉ giải quyết một phần “cái ngọn”. Phân bón khiến chất đất bị ô nhiễm. Thuốc trừ sâu không phù hợp khiến nước bị ô nhiễm. Sản xuất nông nghiệp của ta nhờ vào đất và nước, nhưng cả hai yếu tố này đều bị ô nhiễm thì cái gốc làm sao giải quyết được?”.

Cần thiết lập hệ thống đăng kiểm an toàn thực phẩm

Phải coi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác ảnh 3

Tham gia phát biểu giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016 rất quy mô, tạo chuyển biến trong nhận thức ở nhiều ngành, nhiều cấp. Trong thời gian tới, chúng ta cần thiết lập hệ thống đăng kiểm dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn để xác định thực phẩm nào là an toàn, không an toàn, đồng thời tăng cường đầu tư trang bị trang thiết bị kiểm định từ các chợ đầu mối.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh từ hệ thống các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, chính quyền, ở tất cả các cấp. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “ATTP là vấn đề lớn, mặc dù chúng ta đã nỗ lực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Do vậy cả hệ thống chính trị phải tiếp tục kiên trì, quyết tâm, đặc biệt là những người đứng đầu các cơ quan để đạt được kết quả tốt hơn. Tới đây, việc đảm bảo VSATTP từ cấp cơ sở trở lên phải dần được đưa vào các tiêu chí thi đua như làng văn hóa, gia đình văn hóa, nông thôn mới”. 

Quốc Hoàn (Ghi)

Vì lợi nhuận mà quên mất lương tri

Phải coi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác ảnh 4

Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện nay hành lang pháp lý về quản lý ATTP đã khá đồng bộ. Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực thi ở cơ sở. Ngoài ra, một số quy định về quản lý ATTP còn bất cập, cần rà soát, điều chỉnh cả luật và văn bản dưới luật... Trong thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng; tránh lạm dụng bia rượu, ban hành các tiêu chuẩn về thực phẩm…

Cũng theo Bộ trưởng, đối với vấn đề ATTP, trách nhiệm quản lý thuộc về Nhà nước là đúng, song hiện vẫn có không ít doanh nghiệp coi thường sức khỏe người dân, coi thường quy định, người sản xuất vì lợi nhuận mà quên mất lương tri, cố tình làm trái pháp luật. Tuy vậy việc xử lý còn nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe. Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho quản lý ATTP ở cơ sở cũng còn nhiều bất cập..., đây là những khó khăn trong thực tế, cần có cơ chế đẩy mạnh xã hội hóa nhằm khắc phục những yếu kém trong thời gian tới.

Huệ Anh (Ghi)