Phải chấp nhận thắt chặt

ANTĐ - Sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước hạ các loại lãi suất điều hành 1%, trong khi lạm phát tính theo năm vẫn ở mức cao tới 16,44%, một số chuyên gia kinh tế đã phân tích, đánh giá: Đây có phải là thời điểm thích hợp để giảm “liều lượng” chống suy thoái hay tiếp tục duy trì các giải pháp chống lạm phát và tái cơ cấu 3 lĩnh vực then chốt của nền kinh tế?

Thực ra, việc thực hiện Nghị quyết 11/CP trong năm 2011 đã là động thái đầu tiên khởi động quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Hơn một năm thực hiện Nghị quyết 11 khá quyết liệt và nhất quán, so với đầu năm 2011 cho đến nay, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã được cải thiện tích cực: Mức tăng 2 tháng đầu năm chỉ là 2,37% - mức thấp nhất từ năm 2006 đến nay; tỷ giá VND/USD tương đối ổn định, nhập siêu tiếp tục được kiềm chế, lãi suất ngân hàng đang giảm dần.

Một chuyên gia nhận xét, kết quả lớn nhất đạt được không phải là những con số trên mà là niềm tin của thị trường, niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ từ bỏ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng hướng đến một mô hình tăng trưởng bền vững. Các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá triển vọng trung hạn của Việt Nam là tốt đẹp, nâng hệ số tín nhiệm lên một bậc. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tuy chưa có dấu hiệu rõ ràng, thậm chí còn đi ngược với việc tăng giá xăng dầu, có thể “kích hoạt” lạm phát tăng cao hơn. Đáng lưu ý là việc nới lỏng chính sách tiền tệ dưới mọi hình thức đều có nguy cơ đánh mất lòng tin của thị trường. Một giáo sư, tiến sĩ đặt câu hỏi: Những khó khăn vĩ mô khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào khó khăn, nợ nần chồng chất và phá sản có nguyên nhân về lãi suất hay thuộc về cấu trúc? Nếu do lãi suất thì giải pháp từ chính sách tiền tệ là thích đáng. Còn nếu vì cấu trúc thì phải có giải pháp khác.

Thế nhưng dường như vì quá nghiêng về vấn đề lãi suất gây khó khăn cho doanh nghiệp nên chúng ta ít quan tâm tới vấn đề thuộc về cấu trúc. Chính vào lúc này, cần phải chấp nhận “đau đớn” để tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước liên tục đòi tăng giá, chứ không phải là những giải pháp mang tính “phong trào” như ký cam kết cắt giảm, tiết kiệm 5% chi phí của các tập đoàn, tổng công ty hoặc giải pháp tình thế như giảm lãi suất mới đây của Ngân hàng Nhà nước.

Có ý kiến nhận định, việc giảm lãi suất dù chỉ 1% không đáng kể, song lại mang tính quyết định đến nền kinh tế. Theo quan điểm của vị giáo sư, tiến sĩ này, ngay cả trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường thì lãi suất tuy có tác động đến tăng trưởng cũng chỉ là tạm thời. Bởi vì, không thể chỉ bằng “liều thuốc” giảm lãi suất để chữa trị nguyên nhân gốc rễ thuộc về cấu trúc kinh tế. Hạ lãi suất trong khi tái cấu trúc ngân hàng mới chỉ khởi động, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cũng như đầu tư công chưa có động thái rõ ràng, thì công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế khó thành công. Các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả sẽ không có động lực đổi mới. Họ chờ đợi lãi suất hạ để “hồi sức”. Các doanh nghiệp yếu kém sẽ tiếp tục “sống ăn bám” nguồn vốn của nền kinh tế.

Phải chấp nhận thắt chặt chính sách tiền tệ, giữ lãi suất cao chống lạm phát. Suy thoái sau một hai năm sẽ chấm dứt, còn lạm phát nếu không kiên quyết chống thì còn kéo dài, không thể thoát ra khỏi vòng xoáy đã tồn tại hơn 5 năm qua.