Phải cải cách... quan niệm

ANTĐ - Ông có thấy một “hiện tượng” kỳ lạ năm nào cũng diễn ra không? Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, THPT trên cả nước không có năm nào ở dưới mức 95-96%. Có nghĩa là không học cũng chắc chắn đỗ.

- Bởi thế, không chỉ tại Hội nghị bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam, mà lâu nay nhiều ý kiến đã đề nghị Bộ Giáo dục “nghiên cứu” bỏ kỳ thi này vì nó vừa căng thẳng, vừa tốn kém.

- Việc nghiên cứu hay “ngâm cứu” thì còn chất đầy cả đống trong Bộ, trong các viện nghiên cứu, nhất là trong đầu óc, tư duy của các nhà quản lý.

- “Trồng người” là chuyện quốc gia đại sự không thể nóng vội, “ăn xổi” như kiểu ném tiền vào kinh doanh vàng, chứng khoán, nhà đất được.

- Hẳn nhiên rồi, nhưng tình trạng “nhồi nhét” quá nhiều kiến thức vô bổ khiến học trò mụ mẫm đầu óc, ngơ ngác như gà công nghiệp, trong khi lại thiếu các môn dạy làm người, dạy nhận thức và ứng xử về cái ác, cái thiện, trắng – đen, phải – trái… thì có thể làm ngay, chẳng phải đợi đến cải cách chương trình.

- Ngay tại Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục, bà Phó Chủ tịch nước cũng trăn trở: số sinh viên ra trường ngày một đông, số thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng nhiều, nhưng tại sao đất nước có vẻ tụt hậu so với các nước trong khu vực?

- Cũng dễ hiểu thôi! Cải cách giáo dục đã đi một chặng đường dài, đi mãi lại trở về đúng chỗ cũ, nơi xuất phát với quan niệm thâm căn, cố đế: “nhất sĩ, nhì nông”.