Phải “bao phủ” chất lượng

ANTĐ - Theo Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, đến năm 2015 phấn đấu đạt trên 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế và đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia. Đề án này vừa được đưa ra góp ý kiến và chủ yếu tập trung phân tích vì sao người dân chưa thực sự mặn mà tham gia bảo hiểm y tế.

Một trong những trở ngại lớn nhất khi thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là người cận nghèo tham gia không nhiều dù đã được Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí BHYT. Lý giải điều này, bà Bộ trưởng Y tế đưa ra cái lý xem ra không mấy thuyết phục: “Vì họ chưa nhận thức được sức khỏe là vốn quý nhất và bản thân phải có trách nhiệm với sức khỏe, chứ không ai lo cho mình được”. Thực tế cho thấy, nhóm có tỷ lệ đóng BHYT cao nhất là người hưu trí, người có công do BHXH đóng đạt tới 99,9%; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng đạt 91,8% và nhóm được ngân sách hỗ trợ một phần như hộ nghèo, cận nghèo và học sinh, sinh viên mới đạt trên 70%. Còn nhóm do người lao động và sử dụng lao động đóng chỉ đạt 58,8%. Riêng số người tham gia bảo hiểm tự nguyện chỉ chiếm 26% dân số cả nước.

Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, những người mua bảo hiểm này đều có bệnh mạn tính và chi phí điều trị cao. Chính điều này là nguyên nhân làm “vỡ” quỹ bảo hiểm thời gian qua. Điều đáng lo ngại là, trong khoảng 37% dân số chưa tham gia BHYT, có tới gần 74,7% người cận nghèo, 48,6% người lao động trong các doanh nghiệp và 74% nông dân và người lao động phi chính thức. Đây chính là tầng lớp dễ bị tổn thương, rủi ro và thiệt thòi nhất trong xã hội. Ngoài tình trạng doanh nghiệp không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHYT cho người lao động, bản thân người lao động thiếu thông tin, hiểu biết nên không dám lên tiếng đòi quyền lợi, tổ chức công đoàn chỉ “làm vì” không đấu tranh vì người lao động.

Hơn thế, người lao động cũng không muốn tham gia đóng BHYT vì thu nhập thấp. Tuy vậy, có một nguyên nhân sâu xa khiến cho người dân không muốn mất tiền đóng BHYT là: chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là ở tuyến y tế cơ sở, các tỉnh miền núi, vùng sâu - xa do thiếu trang thiết bị, năng lực bác sĩ hạn chế. Y tế tuyến xã có khoảng 20% người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh, nhưng điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật vừa thiếu vừa yếu. Hiện còn tới 30% cơ sở y tế chưa có bác sĩ, quyền lợi về BHYT chưa được hưởng thụ đầy đủ, trong khi còn phải trả thêm tiền cho các loại dịch vụ, những thanh toán chi phí khám chữa bệnh quá nhiều bất cập và còn nhiều “rào cản”.

Thừa nhận những thực trạng trên, Bộ trưởng Y tế khẳng định, để thu hút người dân tham gia BHYT, bắt buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Điều cần thiết hơn là bệnh viện phải thay đổi thái độ phục vụ. Muốn bao phủ BHYT toàn dân, trước hết phải bao phủ chất lượng, đặc biệt là phải “bao phủ” thái độ của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.