Pha Luông mùa thu vàng

ANTĐ - Đỉnh Pha Luông còn có tên gọi là Bờ Lung, theo tiếng của người dân tộc Thái có nghĩa là Núi Lớn. Câu thơ ám ảnh người đọc của nhà thơ Quang Dũng mấy chục năm trước khiến Pha Luông tưởng như heo hút trở nên nổi tiếng. Dân ưa xê dịch vẫn truyền tai nhau rằng, mùa thu là mùa Pha Luông đẹp nhất với những cánh rừng phong lá trở màu đỏ thắm…

Pha Luông mùa thu vàng ảnh 1Niềm vui chinh phục Pha Luông

Ngọn Núi Lớn nằm ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Để đến được nơi này  bạn nên khởi hành từ lúc 4h sáng, từ thị trấn Mộc Châu tiếp tục chạy theo hướng cửa khẩu Loóng Sập, rẽ vào bản Dân Quân, từ đây cách duy nhất để di chuyển là đi bộ hoặc xe máy, vì ô tô không vào được. Bắt đầu cung đường này cũng là lúc trời sáng, cây cỏ còn đẫm hơi sương. Quãng đường gần 10km này có lẽ là một cuộc thử thách với các tay lái bởi nó là “ác mộng” của cả ngày mưa lẫn ngày nắng. Lối đi bị mưa xối thành rãnh sâu chằng chịt giữa tâm đường, trong khi đất cứng lại trơn lì hai bên. Xe máy lắp lốp gai địa hình nhưng vẫn phải cẩn thận cài số 1 vít ga, chắc phanh bám từng chút, lách qua những rãnh sâu.

Khi đã rã rời tay lái thì đồn biên phòng Pha Luông hiện ra nhưng cũng phải hơn 1km đường rừng nữa mới tới. Từ đây chỉ có thể đi bộ để đến đỉnh Pha Luông. Ngọn núi  này ở độ cao 2.000m so với mặt biển được ví như nóc nhà của Mộc Châu. Tuy cao và khó vào như vậy, lại sát vùng biên cương nhưng Pha Luông có nhiều đồng bào người Mông sinh sống trong các bản dọc theo sườn núi. Trên đường leo núi sẽ gặp những nóc nhà người Mông với hình ảnh người phụ nữ ngồi thêu thổ cẩm, trẻ con chơi đùa ngước mắt ngơ ngác, lạ lẫm nhìn khách phương xa. 

Quãng đường leo núi gần 10km nhưng mất sức vô cùng khi dốc cứ dựng đứng đúng như câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” của nhà thơ Quang Dũng. Có đoạn, đường đi là rãnh nước chảy những ngày mưa, lá trúc rụng đầy. Bước chân trên thảm lá dày cứ lún sâu xuống với tiếng lá cọ vào nhau. Thú vị nhất là rừng phong. Ở độ cao gần 2.000m, thời tiết mát mẻ như xứ ôn đới nên cây phong phát triển tốt, nhiều cây vài người ôm không xuể, tán cao rộng che kín cả một vùng. Màu của lá phong mùa thu cứ đỏ rực trên nền trời xanh thăm thẳm.

Những chiếc lá chỉ thấy trong tranh vẽ của châu Âu lại xuất hiện ngay trước mặt khiến cả đoàn leo núi hết sức phấn khích. Thảm lá phong đỏ rực trải dưới chân, ai cũng nhặt một chiếc lá phong đỏ cài lên áo, mũ.

Đi qua rừng phong là rừng dương xỉ khổng lồ và rừng trúc cương bị gió núi, sương lạnh khiến cho cây trúc mãi mãi  chỉ bé bằng ngón tay. Đoạn dốc này gần như thẳng đứng. Mặt người sau úp vào gót chân người trước và nguy hiểm nhất là những hòn đá nhỏ rơi. Sau một khe nứt gãy của núi đá đã được người Mông bắc một thân cây gỗ để đi qua, chui qua thêm một vòm cây thấp thì mọi thứ chợt sáng lòa. Đỉnh Pha Luông - nóc nhà của Mộc Châu đã hiện ra chỉ còn cách vài trăm mét.

Đỉnh núi Pha Luông gần như bằng phẳng nhưng rất nguy hiểm bởi bất chợt có những khe núi hẹp, khá sâu bị che lấp bằng cỏ dại. Đinh Pha Luông lộng gió nhìn thấy cả cột mốc biên giới Việt - Lào. “Mỏm đầu rùa” - mỏm núi trứ danh giống hệt đầu một con rùa khổng lồ mà ai lên đến Pha Luông cũng muốn có một bức ảnh chụp lại. Đứng sát mép vực ngắm nhìn biên giới tự nhiên Việt - Lào giống hệt sống lưng con khủng long khổng lồ. Nắng Tây đốt cho sườn núi phía bên kia cây không mọc nổi, con sườn phía Đông thì cây cối um tùm. Leo lên Pha Luông từ phía Mộc Châu tuy có dốc nhưng còn lên được. 

Đường trở về cũng gian nan như đường đi tới Pha Luông vậy. Mệt mỏi rã rời nhưng tâm trạng thì đầy cảm xúc. Các nóc nhà người Mông trên đường lên Pha Luông cũng ẩn hiện trong sương. “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” - nóc nhà của đồng bào Mông hay là “nóc nhà” của Mộc Châu đấy!