Phá đường dây tuồn thực phẩm chức năng giả vào chợ thuốc

ANTĐ - Ngoài việc rao bán “Đào Hồng Đơn” và nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng trên mạng Internet, Đỗ Thị Tuyết Mai, 31 tuổi, trú ở ngõ Hội Vũ, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), còn là đầu mối cung cấp cho nhiều quầy thuốc ở Trung tâm phân phối dược phẩm Hapulico (quận Thanh Xuân). Trong số những sản phẩm Mai chào bán, có cả hàng giả.

Nhân viên của Đỗ Thị Tuyết Mai mô tả việc dán tem nhãn sản phẩm 
trước sự chứng kiến của cơ quan chức năng

Thực phẩm nở ngực ... giả

Ngày 24-10, chỉ huy Đội Chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ – Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội cho biết, đơn vị đã phát hiện, xử lý đường dây buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng nhãn hiệu “Đào Hồng Đơn”; bắt khẩn cấp 2 đối tượng liên quan đến vụ án. 

Trước đó, trưa 17-10, trên đường Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân, tổ công tác Đội Chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ phát hiện, kiểm tra Nguyễn Cảnh Nhơn (SN 1967), trú ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, đang vận chuyển thùng carton lớn. Bên trong thùng có 60 hộp thực phẩm chức năng nhãn hiệu “Đào Hồng Đơn”, loại sản phẩm được quảng cáo có công dụng tăng kích thước, làm săn chắc “vòng 1” của phụ nữ. Đại diện nhà sản xuất chính hãng được mời đến, đã khẳng định số hàng trên là giả. 

Tại cơ quan công an, Nhơn khai nhận số thực phẩm chức năng trên của Phạm Thị Hải Đường (vợ Nhơn), chủ một quầy thuốc tại Trung tâm phân phối dược phẩm Hapulico. Bị triệu tập đến cơ quan Công an, Phạm Thị Hải Đường khai nhận, ngày 16 và 17-10, Đường đã mua 120 hộp “Đào Hồng Đơn” của Nguyễn Văn Hà, trú ở Yên Xá, Tân Triều, Thanh Trì. Khi mua, Đường biết đó là hàng giả, vì tại quầy của Đường có bán hàng thật do chính hãng sản xuất, có giá gần 700.000 đồng/hộp. Tiếp tục triệu tập, đấu tranh với Nguyễn Văn Hà, cơ quan Công an xác định Hà mua “Đào Hồng Đơn” giả của Đỗ Thị Tuyết Mai ở ngõ Hội Vũ, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm với giá 200.000 đồng/hộp; rồi bán lại cho Đường với giá 300.000 đồng/hộp. Bị triệu tập đến cơ quan công an, Đỗ Thị Tuyết Mai khai nhận mua “Đào Hồng Đơn” giả với giá 190.000 đồng/hộp của một phụ nữ… không rõ địa chỉ. 

Theo một cán bộ Đội chống hàng giả, thời gian gần đây, do thực phẩm chức năng “Đào Hồng Đơn” được nhiều người biết đến, nên nhiều khả năng, các đối tượng đã đặt sản xuất hàng giả từ nước ngoài với giá rẻ để đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Hiện, CQĐT CATP Hà Nội đã bắt khẩn cấp Phạm Thị Hải Đường và Nguyễn Văn Hà về hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm (theo Điều 157 BLHS). Đối với Đỗ Thị Tuyết Mai, do đang nuôi con nhỏ nên CQĐT tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý.

Đánh rắn không dập đầu

Một tình tiết đáng chú ý trong vụ việc trên, liên quan đến “nhân vật chính” Đỗ Thị Tuyết Mai. Ngày 3-10, tại nơi ở của Mai - phố Hội Vũ, quận Hoàn Kiếm -  Đội Quản lý thị trường số 7 – Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với cơ quan Công an đã bất ngờ kiểm tra phát hiện 2 kho hàng tập kết nhiều loại thực phẩm chức năng ghi nhãn mác nước ngoài. Thời điểm kiểm tra, Mai không xuất trình đủ giấy tờ hợp pháp liên quan đến số thực phẩm chức năng trên. Qua đấu tranh, Mai khai nhận mua các loại thực phẩm chức năng trôi nổi của những “đầu nậu” không quen biết, về đóng gói bán kiếm lời. Hình thức phân phối sản phẩm của Mai là rao bán tại các “chợ thuốc” trên địa bàn quận Thanh Xuân, Ba Đình, và chào bán trên mạng Internet.

Ngoài kho tập kết hàng ở phố Hội Vũ, cơ quan chức năng ngay sau đó xác định Đỗ Thị Tuyết Mai còn có xưởng đóng gói các loại thực phẩm chức năng ở khu vực bãi giữa sông Hồng, quận Long Biên. Khám xét xưởng đóng gói này, cơ quan chức năng thu giữ thêm nhiều sản phẩm chức năng có dấu hiệu nhập lậu và làm giả. Tại cơ sở này, Đỗ Thị Tuyết Mai bố trí nhân viên sử dụng máy ép đóng gói và dán tem vào sản phẩm rồi tung ra thị trường. 

Trong khi vụ việc này chưa xử lý xong, thì Đỗ Thị Tuyết Mai đã tái phạm, chỉ trong vòng 3 tuần. Trao đổi với PV Báo ANTĐ ngày 24-10, chỉ huy Đội QLTT số 7 cho biết, trong vụ việc hôm 3-10, vì đại diện các nhãn hàng thực phẩm chức năng chưa đến đủ để xác định sản phẩm thu giữ là thật hay giả, nên đơn vị này chưa có kết luận cuối cùng. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng chính biện pháp xử lý vụ việc còn chưa kiên quyết, thiếu triệt để, đã “giúp” Đỗ Thị Tuyết Mai sớm “ngựa quen đường cũ”?