PGS.TS Văn Như Cương và những chuyện thật như giai thoại

ANTĐ - Mới đây, hay tin bức ảnh chân dung PGS.TS Văn Như Cương của nhiếp ảnh gia Bùi Văn Sơn đoạt giải Nhất, trong cuộc thi ảnh “Chân dung và cuộc sống người Hà Nội”, cũng không mấy người ngạc nhiên vì người thầy này có một gương mặt đẹp với bộ râu dài trắng như sương tuyết cùng đôi mắt đầy biểu cảm với thời gian. Cuộc đời hết lòng vì sự nghiệp giáo dục cùng với tính cách trung thực và thẳng thắn của ông đã làm nên một chân dung đặc sắc cùng với những giai thoại đầy thú vị. 

PGS.TS Văn Như Cương và những chuyện thật như giai thoại ảnh 1Thầy Văn Như Cương trong giờ nghỉ với học trò trường THPT Lương Thế Vinh

Giai thoại “Tiến sĩ lợn”

Cách đây khoảng hơn 40 năm, thầy giáo Văn Như Cương (SN 1937) bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Nga (Liên Xô cũ - 1971); trở về dạy học ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ngày đó, do kinh tế còn khó khăn, để vượt qua cái “sĩ” của mình không phải dễ, nhưng thầy Cương không nề hà tìm cách tự cứu lấy mình bằng cách nuôi lợn kiếm tiền. Mỗi lứa lợn, tính toán tiền lãi và tiền cám dư còn được 70 đồng, bằng đúng tiền lương của một tiến sĩ ngày đó. Nên thầy Cương hay nói vui với đồng nghiệp, nhà có 2 tiến sĩ, một là tôi và một là lợn.  

Thế rồi, sau những lần bị lập biên bản về chuyện làm “ảnh hưởng môi trường tập thể”, thầy Cương phải từ bỏ công việc cải thiện thu nhập của mình. Khi bạn bè đến chơi, đùa hỏi: “Tiến sĩ nhà thầy đâu? Sao cho nó tốt nghiệp sớm thế?”. Thầy bèn cười và hóm hỉnh đùa lại rằng: “Hết đề tài cám (thực ra là không còn tiền mua cám nữa), tôi cho “Tiến sĩ lợn” bảo vệ, tốt nghiệp sớm cho nhanh. Còn giai thoại kể khi bị lập biên bản, thầy cứ bắt người ta phải ghi lại câu chữ, rằng: “Các anh không được viết, tôi nuôi lợn làm ảnh hưởng tới môi trường, mà phải viết lợn nuôi tôi làm ảnh hưởng tới môi trường, thì tôi mới ký”. 

Chuyện vui về bộ râu

Chuyện về bộ râu của thầy Cương cũng khá hài hước, với những giai thoại thú vị, suýt bị mẹ và vợ cắt mất. Bởi vào năm đầu thập niên 70, người ta quan niệm ai để râu ria xồm xoàm, hoặc cạo trọc đầu là có vấn đề, không bất mãn thì cũng bất trị, nom có vẻ khác đời. Thầy Cương tìm cách thuyết phục vợ, biện bạch rằng, có bộ râu này mà làm việc gì khuất tất, sàm sỡ thì ai cũng biết, có mà dám. Nghe như đùa nhưng lại là sự thật nên nói mãi vợ cũng đành chiều theo. Quả nhiên ai cũng nhớ đến thầy Cương ở trường sư phạm, qua bộ râu dài và đẹp như một bậc trưởng lão. 

Từ ngày đứng ra thành lập trường THPT Lương Thế Vinh, năm 1989 thầy hiệu trưởng Văn Như Cương đã nổi tiếng với bộ râu “tuyết” của mình. Có lần một người hỏi vì sao ông có ít tóc nhưng râu lại dài thế? Ông nhanh chóng đáp lại, tại cái mồm tôi làm việc nhiều, còn cái đầu tôi làm việc ít. Người ta lại hỏi vì sao ông lại hết lòng vì sự nghiệp trồng người đến vậy, ông điềm đạm vuốt râu đọc mấy dòng thơ tâm huyết: “Ta phải về thôi tuổi xế chiều. Dẫu còn dan díu chút tình yêu. Bài ca sư phạm không đành bỏ. Sự nghiệp trồng người vẫn cố theo”.  

Tình yêu đẹp với cô học trò

Riêng về chuyện tình yêu của thầy Văn Như Cương còn đẹp hơn cả một giai thoại. Tất nhiên khi ấy thầy chưa để râu vì là sinh viên năm cuối. Thầy mạnh dạn vào thực tập ở trường Trưng Vương, toàn nữ ngày ấy (năm 1957). Có cô học trò, tên là Đào Kiều Oanh, một tiểu thư Hà thành, bất ngờ bị hút hồn bởi anh chàng sinh viên thực tập. Chàng có cách truyền đạt đầy biểu cảm và dễ hiểu. Cô học trò ấy thường xuyên mang sách vở lên hỏi thầy và rất chăm chỉ học tập. Hai thầy trò mến nhau từ đó.

Ra trường, thầy giáo trẻ Văn Như Cương được giữ lại làm giáo viên trợ giảng. Từ đó tình yêu nảy sinh, chàng giáo viên nghèo này được gia đình cô Oanh chấp nhận. Nhưng có chuyện bất ngờ xảy ra, khi thầy giáo Văn Như Cương được nhà trường quyết định cử vào Nghệ An, xây dựng trường đại học đầu tiên ở đây (năm 1959). Khi đó gia đình cô gái đã đồng ý cho cô theo thầy giáo trẻ vào Vinh để tiếp tục học tập. Năm 1961, khi cô Oanh nhận tấm bằng tốt nghiệp cũng là lúc thầy giáo Văn Như Cương xin cưới. Hai người nên vợ nên chồng từ đó và cùng nghề dạy học. Đến nay đã 54 năm trọn tình, trải qua biết bao thăng trầm cuộc đời nhưng họ vẫn gắn bó hạnh phúc bên nhau. 

Cõng mẹ đi chơi 

Chuyện Tiến sĩ Văn Như Cương về quê cõng mẹ 94 tuổi đi chơi Tết càng thấy lạ. Chuyện xảy ra cũng đã gần 20 năm. Lúc đó, thầy đã vào tuổi “Lục thập hoa giáp”. Chuyện con trai 60 cõng mẹ 90 đi chơi, một hình ảnh thân thương và đẹp như cổ tích vậy. Ai cũng nhớ hôm ấy trời mưa, đường đất rất trơn. Mùng một Tết, theo thường lệ thầy theo gia đình ra nhà thờ họ và đi chúc Tết bà con láng giềng, họ hàng. Đường trơn ướt mưa, mẹ không đi được, thầy Cương bèn cúi lưng đòi cõng mẹ cho dù trước đó đã bị ngã đau chân. Khi tới nhà thờ họ, ai cũng bất ngờ xúc động với hình ảnh người con đã râu tóc bạc phơ vẫn cõng mẹ đi chơi. 

Thấy mẹ nhẹ bỗng trên lưng mình, thầy Cương bồi hồi xúc động vì thương mẹ gầy gò, ốm yếu. Ông đã làm bài thơ xúc động, tâm sự về cái Tết cuối cùng về với mẹ: “Con sáu mươi cõng mẹ chín tư. Mẹ ơi mẹ nhẹ thế này ư! Thôi con đừng lo cho mẹ. Mẹ sợ chân con sẽ mỏi nhừ”.  Đó cũng là câu chuyện thành thơ cuối cùng giữa hai mẹ con, bởi vào tháng 10 năm đó, thầy giáo Văn Như Cương đã phải tiễn mẹ về cõi ngàn thu.